Thuyết liên kết khác biệt đưa ra quan điểm rằng hành vi tội phạm là kết quả của việc con người học hỏi từ môi trường xã hội xung quanh, đây là một trong những lý thuyết nổi bật trong lĩnh vực tội phạm học.

Edwin Sutherland, nhà xã hội học người Mỹ, đã phát triển lý thuyết này trong thập niên 1930 – 1940, nhằm giải thích các nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội.

Lý thuyết trên Sutherland phát triển để giải thích lý do tại sao một số người có xu hướng phạm tội trong khi những người khác thì không. Nội dung của lý thuyết tập trung vào vai trò của xã hội hóa và các yếu tố môi trường trong việc hình thành hành vi phạm tội (Sutherland và Cressey, 1978).

Tiểu sử Edwin Sutherland

Edwin H. Sutherland (1883-1950) sinh ra tại Gibbon, Nebraska, Hoa Kỳ. Ông theo học tại Đại học Chicago và Đại học Illinois, và được xem là một trong những nhà tội phạm học có tầm ảnh hưởng lớn nhất trong thế kỷ 20, đặc biệt là với sự phát triển của thuyết liên kết khác biệt (Differential Association Theory) (Sutherland, 1947).

Sutherland bắt đầu con đường học vấn tại Đại học Nebraska. Sau đó, ông tiếp tục nghiên cứu tại Đại học Chicago, một trung tâm nổi tiếng trong nghiên cứu tội phạm học và xã hội học.

Tại đây, Sutherland đã tiếp xúc với nhiều tư tưởng tiên phong về xã hội học và hình thành nền tảng học thuật vững chắc, trở thành cơ sở cho lý thuyết mà ông sẽ phát triển sau này.

Trong suốt sự nghiệp của mình, Sutherland giảng dạy tại một số trường đại học danh tiếng, bao gồm Đại học Illinois, Đại học Minnesota, và cuối cùng là Đại học Indiana, nơi ông trở thành Giáo sư Xã hội học vào năm 1935 và giữ vị trí này cho đến khi nghỉ hưu.

Ông đã sử dụng cơ hội tại các trường đại học này để phát triển lý thuyết tội phạm học của mình và tiến hành nhiều nghiên cứu quan trọng.

Sutherland nổi tiếng nhất với cuốn sách Principles of Criminology (Các Nguyên tắc Tội phạm học), lần đầu xuất bản năm 1924. Tuy nhiên, phiên bản xuất bản lần thứ tư vào năm 1947 là quan trọng nhất vì nó bao gồm phần trình bày về thuyết liên kết khác biệt mà ông phát triển (Sutherland, 1947).

Đây là lý thuyết đầu tiên giải thích hành vi tội phạm như một quá trình học hỏi từ người khác, thay vì chỉ là kết quả của những yếu tố di truyền hoặc cá nhân.

Lý thuyết của ông là một bước ngoặt trong việc nghiên cứu tội phạm học và đã thay đổi cách nhìn về tội phạm và xã hội hóa.

Bên cạnh thuyết liên kết khác biệt, Sutherland còn đóng góp lớn cho lĩnh vực nghiên cứu “tội phạm cổ cồn trắng” (white-collar crime), thuật ngữ mà ông lần đầu tiên giới thiệu vào năm 1939.

Theo Sutherland, tội phạm cổ cồn trắng là hành vi phạm tội của những cá nhân thuộc tầng lớp xã hội cao, thường là trong bối cảnh kinh doanh.

Ông đã làm thay đổi quan niệm phổ biến rằng tội phạm chủ yếu xảy ra trong các tầng lớp thấp hơn của xã hội và cho thấy rằng hành vi tội phạm cũng xuất hiện trong các tầng lớp được xem là “tinh hoa”.

Edwin Sutherland được coi là người sáng lập ngành tội phạm học Mỹ hiện đại. Các nghiên cứu của ông vẫn là nền tảng cho nhiều nghiên cứu trong lĩnh vực này, và lý thuyết của ông tiếp tục được áp dụng và phát triển trong nhiều bối cảnh nghiên cứu khác nhau.

Công trình của ông đã đặt nền móng cho nhiều lý thuyết xã hội học và tội phạm học sau này, tạo ra những thay đổi đáng kể trong nhận thức về hành vi phạm tội.

Sự phát triển của thuyết liên kết khác biệt

Lý thuyết này được xây dựng dựa trên tiền đề rằng hành vi phạm tội không phải do yếu tố di truyền mà là kết quả của quá trình học tập xã hội.

Thuyết liên kết khác biệt không xuất hiện một cách đột ngột mà là kết quả của quá trình nghiên cứu dài hạn và sự phát triển từ các lý thuyết xã hội trước đó.

Trong quá trình nghiên cứu, Sutherland đã bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi các tư tưởng của John Dewey và Charles Horton Cooley – người đã phát triển khái niệm về “tự nhìn từ xã hội” (looking-glass self), cùng với đó là lý thuyết về sự tương tác giữa cá nhân và xã hội.

Sutherland bắt đầu phát triển lý Thuyết liên kết khác biệt từ những năm 1920, trong quá trình nghiên cứu về hành vi tội phạm.

Năm 1939, Sutherland giới thiệu về một lý thuyết trong cuốn sách Principles of Criminology, nhấn mạnh rằng sự tiếp xúc với những giá trị, chuẩn mực và niềm tin của các cá nhân trong một môi trường xã hội sẽ ảnh hưởng lớn đến hành vi của họ (Sutherland, 1939).

Trong một bài viết về tội phạm cổ cồn trắng, Sutherland lần đầu tiên đề xuất rằng hành vi tội phạm có thể được học hỏi từ môi trường xã hội xung quanh, tương tự như cách mà các hành vi hợp pháp được học.

Điều này đã tạo nền tảng cho sự ra đời của lý thuyết liên kết khác biệt vào năm 1947, khi ông chính thức đưa lý thuyết này vào phiên bản thứ tư của cuốn sách Principles of Criminology (Sutherland, 1947).

Lý thuyết này nhanh chóng nhận được sự quan tâm từ các nhà nghiên cứu khác và đã trở thành một trong những lý thuyết hàng đầu trong nghiên cứu tội phạm học.

Qua nhiều năm, lý thuyết liên kết khác biệt cũng đã được mở rộng và điều chỉnh để phù hợp với các bối cảnh xã hội khác nhau, kể cả là trong những thập kỷ sau khi Sutherland đã qua đời.

Lý thuyết này đã được tiếp tục phát triển bởi nhiều nhà nghiên cứu khác, bổ sung các khía cạnh về vai trò của gia đình, bạn bè, và môi trường xã hội.

Nội dung lý thuyết

Thuyết liên kết khác biệt của Sutherland bao gồm chín nguyên tắc cơ bản, được xây dựng để giải thích cách hành vi tội phạm được học qua quá trình xã hội hóa.

Hành vi tội phạm được học hỏi: Hành vi tội phạm không phải là một đặc tính bẩm sinh hay di truyền, mà được học hỏi từ môi trường xã hội. Người chưa được biết về tội phạm sẽ không làm ra hành vi tội phạm.

Hành vi tội phạm được học hỏi thông qua sự tương tác với người khác: Quá trình học hỏi này xảy ra thông qua sự tương tác xã hội giữa các cá nhân. Trong đó, giao tiếp là phương tiện quan trọng nhất và trong nhiều trường hợp khác sẽ có cả cử chỉ.

Quá trình học hỏi xảy ra trong các nhóm xã hội thân thiết: Hành vi tội phạm được học hỏi chủ yếu từ những người mà cá nhân có mối quan hệ thân thiết, chẳng hạn như bạn bè hoặc gia đình.

Nói cách khác, các nguồn như phim, truyện, báo,…mang tính phi cá nhân, đóng vai trò tương đối không quan trọng trong việc thực hiện hành vi phạm tội.

Quá trình học hỏi bao gồm cả kỹ năng và thái độ: Cá nhân học hỏi không chỉ về kỹ năng cần thiết để thực hiện hành vi tội phạm, mà còn về các thái độ, quan điểm và giá trị liên quan đến hành vi đó.

Cá nhân phát triển các quan điểm “có lợi” hoặc “bất lợi” đối với luật pháp: Một người trở nên phạm tội khi họ học được nhiều quan điểm thuận lợi cho việc vi phạm pháp luật hơn là các quan điểm bất lợi.

Điều này phụ thuộc vào việc cá nhân học được hành động nào được xem là hợp pháp (có lợi) và bất hợp pháp (bất lợi).

Một hành động cụ thể có thể được nhóm người này xem là hợp pháp, tuy nhiên với nhóm người kia là bất hợp pháp. Điều này thường khác nhau ở các nền văn hóa mà cá nhân đó được tiếp nhận việc học.

Điểm này đặc biệt nổi bật trong xã hội đa văn hóa như ở Mỹ, khi việc xung đột văn hóa có liên quan đến các quy tắc pháp luật, các nhóm văn hóa khác nhau sẽ có cái nhìn khác nhau về một quy tắc pháp luật chung cho tất cả.

Có nhiều định nghĩa có lợi cho hành vi vi phạm pháp luật so với các định nghĩa không có lợi cho hành vi vi phạm pháp luật: Điều này có nghĩa là nếu một người thường xuyên tiếp xúc với những thông điệp hoặc quan điểm cho rằng vi phạm pháp luật là chấp nhận được, thì khả năng họ hành động theo hướng vi phạm pháp luật sẽ tăng lên.

Những quan điểm này được học từ môi trường, các mối quan hệ xung quanh họ.

Quá trình liên kết khác biệt thay đổi theo mức độ tần suất, thời gian, cường độ và ưu tiên: Các yếu tố như mức độ tiếp xúc với các quan điểm thuận lợi cho hành vi tội phạm có thể khác nhau và ảnh hưởng đến sự phát triển hành vi tội phạm.

Trong đó, tần suất là số lần mà cá nhân tiếp xúc với ảnh hưởng; thời gian tức là mô tả thời gian mà cá nhân đã trải qua trong mối liên hệ; mức độ ưu tiên là tầm quan trọng mà cá nhân gán cho mối liên hệ đó ( mối quan hệ này quan trọng hơn mối quan hệ khác); cường độ tức là độ mạnh của ảnh hưởng, như sự uy tín của người mà cá nhân học theo.

Hành vi phạm tội là kết quả của sự học hỏi quan điểm và kỹ năng: Sự kết hợp giữa việc học các kỹ năng và các quan điểm thuận lợi cho tội phạm sẽ dẫn đến hành vi phạm pháp. Việc học được hành vi phạm tội không giới hạn trong việc “bắt chước”, mà nó là tổng hòa của các quá trình học về kỹ năng, thái độ khác nhau.

Cả nhu cầu và các giá trị của cá nhân không phải là lời giải thích chính cho hành vi phạm pháp: Sự thiếu thốn về tài chính hoặc các động lực khác không phải là nguyên nhân chính khiến một người phạm tội, mà là quá trình học hỏi các quan điểm và kỹ năng vi phạm luật pháp.

Thông qua các nguyên tắc này, Sutherland đã khẳng định rằng hành vi tội phạm được học hỏi giống như bất kỳ hành vi nào khác và chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi các nhóm xã hội mà cá nhân tham gia.

Ứng dụng thực tiễn

Một trong những ứng dụng quan trọng nhất của lý thuyết này là trong việc giải thích hành vi tội phạm ở các nhóm thanh thiếu niên và băng đảng.

Lý thuyết này được áp dụng trong nghiên cứu hành vi tội phạm ở thanh thiếu niên, giải thích cách mà những người trẻ tuổi học hỏi hành vi phạm tội thông qua các nhóm bạn và môi trường gia đình.

Thông qua việc hiểu rằng hành vi tội phạm được học hỏi từ các nhóm xã hội, các chương trình phòng chống tội phạm đã được phát triển để giảm thiểu tác động của các nhóm tội phạm, đồng thời cung cấp các mô hình hành vi tích cực cho thanh thiếu niên.

Nhiều chương trình giáo dục và phát triển cộng đồng dựa trên thuyết liên kết khác biệt đã được áp dụng nhằm giảm thiểu hành vi phạm tội bằng cách thay đổi môi trường xã hội.

Trong lĩnh vực giáo dục, thuyết liên kết khác biệt cũng đã được sử dụng để phát triển các chương trình giáo dục nhằm ngăn chặn hành vi tội phạm và thúc đẩy quá trình xã hội hóa tích cực.

Những người dạy học, các nhà tâm lý học, xã hội học đã sử dụng lý thuyết này để hiểu rõ hơn về cách các mối quan hệ xã hội trong trường học ảnh hưởng đến hành vi của học sinh và cách tạo ra môi trường học tập tích cực.

Sutherland cũng đã sử dụng lý thuyết này để giải thích hành vi tội phạm trong giới thượng lưu và những hành vi phạm tội không bạo lực trong môi trường công việc, như các vụ gian lận kinh tế.

Ông đã chỉ ra rằng các tội phạm này cũng là kết quả của quá trình xã hội hóa trong các nhóm kinh doanh và doanh nghiệp, nơi mà việc vi phạm pháp luật được xem là “chấp nhận được”.

Các chính sách quản lý và luật pháp đã được điều chỉnh để giải quyết các hành vi này, đồng thời nâng cao nhận thức về vai trò của các nhóm xã hội trong việc hình thành hành vi tội phạm.

Những ảnh hưởng của thuyết liên kết khác biệt

Thuyết liên kết khác biệt đã đặt nền móng cho nhiều lý thuyết tội phạm học và xã hội học khác, bao gồm lý thuyết học tập xã hội (Social Learning Theory) của Ronald Akers (Akers và Sellers, 2009).

Thuyết liên kết khác biệt không chỉ có ảnh hưởng đến nghiên cứu tội phạm học mà còn tác động sâu rộng đến các lĩnh vực xã hội học, tâm lý học và chính sách công.

Một trong những điểm mạnh của lý thuyết này là khả năng giải thích hành vi tội phạm trong nhiều bối cảnh xã hội khác nhau, từ tội phạm đường phố đến tội phạm kinh doanh và tội phạm cổ cồn trắng.

Lý thuyết này cũng đã thúc đẩy sự phát triển của các phương pháp nghiên cứu xã hội học về xã hội hóa và tương tác xã hội. Các nhà nghiên cứu khác đã tiếp tục mở rộng lý thuyết của Sutherland để giải thích hành vi tội phạm trong các bối cảnh toàn cầu hóa và trong các xã hội khác nhau, nơi mà các nhóm xã hội và quá trình xã hội hóa có thể thay đổi đáng kể.

Ngoài ra, lý thuyết liên kết khác biệt còn được sử dụng để phân tích các hành vi bất hợp pháp trong các bối cảnh như thể thao, âm nhạc, và nghệ thuật, nơi mà các chuẩn mực và giá trị xã hội có thể khác biệt so với những chuẩn mực chung của xã hội.

Mặc dù Sutherland là một trong những nhà tội phạm học có ảnh hưởng nhất, ông cũng gặp nhiều tranh luận và chỉ trích.

Một số học giả phê bình lý thuyết của ông vì bỏ qua các yếu tố cá nhân và tâm lý trong hành vi tội phạm, trong khi những người khác đánh giá cao lý thuyết của ông vì đã tập trung vào các yếu tố xã hội.

Nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng lý thuyết này còn thiếu yếu tố cá nhân, chẳng hạn như cảm xúc và động cơ nội tại của người phạm tội.

Tuy vậy, lý thuyết này vẫn được xem là một trong những lý thuyết quan trọng nhất trong lĩnh vực tội phạm học.

Xem thêm: Lý thuyết kiểm soát xã hội (Social Control Theory)

Kết luận

Thuyết liên kết khác biệt của Edwin Sutherland là một trong những lý thuyết có ảnh hưởng sâu rộng nhất trong ngành tội phạm học.

Bằng cách giải thích hành vi tội phạm như một quá trình học hỏi từ môi trường xã hội, Sutherland đã thay đổi cách chúng ta nhìn nhận về tội phạm và xã hội hóa. Lý thuyết này không chỉ có giá trị lý thuyết mà còn có ứng dụng thực tiễn trong nhiều lĩnh vực, từ việc phòng chống tội phạm đến giáo dục và chính sách xã hội.

Với những đóng góp lớn cho ngành tội phạm học và xã hội học, Edwin Sutherland được coi là một trong những nhà tội phạm học quan trọng nhất của thế kỷ 20.

Các công trình nghiên cứu của ông vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến nghiên cứu và xu hướng trong nhiều thập kỷ sau khi ông qua đời.

Thuyết liên kết khác biệt vẫn giữ được giá trị thực tiễn và tiếp tục ảnh hưởng đến nhiều nghiên cứu và chính sách liên quan đến tội phạm học.

Xem thêm: Nhà tâm lý học tội phạm làm gì?

Tài liệu tham khảo

Akers, R. L. (1998). Social Learning and Social Structure: A General Theory of Crime and Deviance. Boston, MA: Northeastern University Press.

Akers, R. L., & Sellers, C. S. (2009). Criminological Theories: Introduction, Evaluation, and Application (5th ed.). New York, NY: Oxford University Press.

Cressey, D. R. (1974). Theories of Criminal Behavior. New York, NY: Harper & Row.

Cullen, F. T., & Agnew, R. (2011). Criminological Theory: Past to Present (5th ed.). Los Angeles, CA: Sage Publications.

Gaylord, M. S., & Galliher, J. F. (1988). The Criminology of Edwin Sutherland. Journal of Contemporary Criminal Justice, 4(1), 9-21.

Lilly, J. R., Cullen, F. T., & Ball, R. A. (2019). Criminological Theory: Context and Consequences (7th ed.). Thousand Oaks, CA: SAGE Publications.

Matsueda, R. L. (1988). The current state of differential association theory. Crime & Delinquency, 34(3), 277-306. https://doi.org/10.1177/0011128788034003003

Matsueda, R. L. (1992). Reflected appraisals, parental labeling, and delinquency: Specifying a symbolic interactionist theory. American Journal of Sociology, 97(6), 1577-1611. https://doi.org/10.1086/229940

Sutherland, E. H. (1939). Principles of Criminology (3rd ed.). Chicago, IL: University of Chicago Press.

Sutherland, E. H. (1947). Principles of Criminology (4th ed.). Philadelphia, PA: J. B. Lippincott Company.

Sutherland, E. H. (1949). White Collar Crime. New York, NY: Dryden Press.

Sutherland, E. H., & Cressey, D. R. (1978). Principles of Criminology (10th ed.). Philadelphia, PA: Lippincott.

Related Posts

One thought on “Thuyết liên kết khác biệt của Edwin Sutherland (Differential Association Theory)

  1. Pingback: 9 nguyên tắc về tội phạm của Edwin Sutherland

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *