Hiện tượng công kích cá nhân có thể rất khó để xác định nó xuất hiện từ lúc nào, nhưng sự phổ biến của nó hiện nay là không thể bàn cãi.
Khi bạn là người Việt Nam, mà đặc biệt hơn, bạn là người dùng mạng xã hội, thì hẳn là bạn không thấy xa lạ gì với những cuộc tranh cãi nảy lửa, cùng một rừng từ ngữ mà chẳng đi đến hồi kết cho đến khi ai/thứ gì đó chen ngang hoặc tệ hơn là dùng vũ lực;
Nhưng nếu suy ngẫm lại, liệu bạn có nhận ra họ đang nói về điều gì, tranh cãi như thế nào không? Hẳn là những nội dung bạn có thể nghe/đọc được thường là: xúc phạm nhân thân, nguyền rủa, bộ phận sinh dục nam/nữ,… Nói một cách dễ hiểu là tìm những câu từ tệ hại nhất để lăng mạ, sỉ nhục đối phương.
Bên cạnh nội dung cuộc tranh cãi, sẽ có những lời bình luận về nó, nổi bật trong đó là câu nói: “Đừng công kích cá nhân người khác!”. Câu này nghe rất có học thức, nhưng “công kích cá nhân” là gì? Tôi dám chắc là ngay từ lần đầu nghe qua cụm từ “công kích cá nhân” thì trong đầu bạn đã có thể hình dung một khái niệm cụ thể cho nó.
Tuy nhiên, ít ai dừng lại để tự hỏi: Công kích cá nhân thực sự là gì, và tại sao nó lại xuất hiện phổ biến trong các cuộc thảo luận?
Trong bài viết này, tôi không chỉ dừng lại ở việc giải nghĩa “công kích cá nhân” mà còn muốn nói đến những người sử dụng cụm từ “công kích cá nhân” trong phát biểu của bản thân mà chưa thực sự hiểu rõ hết ý nghĩa của nó.
Công kích cá nhân là gì?
Trước tiên ta cần làm rõ về ý nghĩa của cụm từ/hành vi “công kích cá nhân” là như thế nào:
Trong tiếng Việt không có một ý nghĩa cụ thể cho cụm từ “công kích cá nhân”, nhưng nó có thể được giải thích bằng cách kết hợp ý nghĩa của hai từ “công kích” và “cá nhân”.
Theo đó, “công kích cá nhân” trong tiếng Việt co thể được hiểu là tấn công, chỉ trích, phản đối gay gắt (công kích) một người riêng lẻ, phân biệt với tập thể (cá nhân) (Từ điển tiếng Việt thông dụng, Phạm Lê Liên, 2015).
Thứ hai, trong các cuộc tranh cãi, cụm từ “công kích cá nhân’ lại thường được nhắc đến khi có một hành vi xúc phạm, lăng mạ, sỉ nhục người khác bằng lời nói, chữ viết, động tác… Trên thực tế, đó là những biểu hiện của hành vi “phát ngôn thù hận” hay “phát ngôn gây thù địch” (Hate Speech).
Phát ngôn thù hận (Hate Speech)
Một khái niệm liên quan và thường bị nhầm lẫn với “công kích cá nhân” là “phát ngôn thù hận”.
Cụ thể, nó được miêu tả là: Lời nói căm thù, lời nói hoặc biểu hiện bôi nhọ một người trên cơ sở tư cách thành viên (được cho là) trong một nhóm xã hội được xác định bởi các thuộc tính như chủng tộc, sắc tộc, giới tính, khuynh hướng tình dục, tôn giáo, tuổi tác, khuyết tật về thể chất hoặc tinh thần, v.v. (William M. Curtis, 2024).
Hay “lời nói, chữ viết hoặc giao tiếp phi ngôn ngữ tấn công, đe dọa hoặc xúc phạm một người hoặc một nhóm dựa trên nguồn gốc quốc gia, sắc tộc, màu da, tôn giáo, giới tính, bản dạng giới, khuynh hướng tình dục hoặc tình trạng khuyết tật” (Dictionary).
Có thể dễ dàng nhận thấy, cách mà chúng ta hiểu về “công kích cá nhân” không hẳn là hoàn toàn sai mà là chưa đầy đủ, nhưng nói một cách tổng quát, đó cũng chỉ là một cụm từ được bày ra để nói cho “khoa học” và “tri thức” hơn, về bản chất nó vẫn là “phát ngôn thù hận”.
Phát ngôn thù hận thường xuất hiện trong các cuộc tranh luận trực tuyến, khi mà đối phương không có khả năng bảo vệ lập luận của mình và thay vào đó tấn công vào các yếu tố không liên quan như vẻ ngoài, danh tiếng, hoặc thậm chí cả gia đình của đối thủ.
Trong khi đó ta có thể dùng những từ ngữ đơn giản hơn rất nhiều mà lại đúng về nghĩa như là: lăng mạ, sỉ nhục, chửi bới, sỉ vả,… Thực tế không tồn tại khái niệm “công kích cá nhân”, nói đúng hơn là nó không tồn tại theo cách hiểu thông thường mà mọi người áp dụng.
Vẫn có tồn tại cái gọi là “Công kích cá nhân” hay “personal attack” được nhắc đến trong biện luận, logic học với tên gọi “Lập luận công kích cá nhân” (Argumentum Ad Hominem) như một kiểu “ngụy biện phi hình thức” (informal fallacy).
Theo Logic học: Lập luận Công kích cá nhân (Argumentum Ad Hominem)
Tại sao phải nói đến biện luận, logic học, tranh luận,…? Nghe có vẻ xa vời, vậy nếu nói “lập luận công kích cá nhân” dùng trong “tranh cãi” thì sao?
Thực tế là trong các cuộc tranh cãi thông thường cho đến tranh luận trong các cuộc họp quan trọng, lập luận công kích cá nhân xuất hiện vô cùng phổ biến, tần suất dày đặc đến vô nghĩa.
Bài viết này sẽ trình bày kiến thức của tôi về Ad Hominem cũng như trích dẫn các nghiên cứu đáng tin cậy, tin chắc là khi đọc qua, các bạn sẽ thấy lập luận công kích cá nhân quen thuộc đến mức nào.
Trong logic học, “lập luận công kích cá nhân” được gọi là “Ad Hominem”, một loại ngụy biện phi hình thức mà ở đó người tranh luận tấn công vào người đưa ra lập luận thay vì trực tiếp vào luận điểm của họ. Điều này đặc biệt phổ biến trong các cuộc tranh luận gay gắt hoặc khi cảm xúc đang chiếm ưu thế.
D. N. Walton (1998) đã mô tả: Ad hominem hay lập luận công kích cá nhân thường là phản ứng tự vệ tức thì đối với bất kỳ lập luận mới và gây khó chịu mạnh mẽ nào về một vấn đề gây tranh cãi và phân cực, đặc biệt là khi những người quan tâm bị đe dọa và có cảm xúc mãnh liệt về vấn đề này.
Douglas Neil Walton chia “lập luận công kích cá nhân” thành 5 loại (Ad Hominem Arguments, 1998): lạm dụng (trực tiếp), hoàn cảnh (gián tiếp), thiên vị, đầu độc giếng nước, to quoque.
– Lạm dụng (trực tiếp): Một bên trong cuộc thảo luận chỉ trích hoặc cố gắng bác bỏ lập luận của bên kia bằng cách tấn công trực tiếp vào cá nhân bên thứ hai đó. Lập luận này có dạng “Người đó là một người xấu, do đó bạn không nên chấp nhận lập luận của họ”.
Trong kiểu lập luận này, cuộc tấn công tập trung vào tính cách của đối phương, thay vì tập trung vào luận điểm
– Hoàn cảnh (gián tiếp): công kích hoàn cảnh là đánh vào quyền phê bình. Tức là, phê bình đối phương dựa trên hoàn cảnh cá nhân của họ, mà không liên quan đến luận điểm. (VD: mẹ hút thuốc, khuyên con không nên hút thuốc, người con phản bác lại rằng mẹ cũng hút thuốc mà lại khuyên con không nên hút thuốc).
– Thiên vị: Là khi một người đặt câu hỏi về việc người đang đưa lập luận có đang thiên vị hay không, cho rằng người có động cơ là vi lợi ích riêng tư, động cơ không trong sáng.
– Đầu độc giếng nước: Người tranh luận đưa ra tuyên bố với mục đích ngăn cản đối phương với tư cách là một người tham gia phù hợp trong một cuộc thảo luận, ngụ ý là không thể xem một người “như vậy” là người tham gia có khả năng chia sẻ chân thành hoặc hợp tác.
Về cơ bản, kiểu lập luận này sẽ phá hỏng uy tín của đối phương trước khi họ có cơ hội tham gia vào cuộc tranh luận.
– Tu quoque (Anh cũng vậy): Khi một người phạm lỗi đưa ra một tuyên bố rằng người bắt lỗi họ cũng đã phạm lỗi như vậy. (Ví dụ như khi một cậu học sinh bị bạn mình tố cáo là dùng tài liệu trong giờ kiểm tra và cậu ta phản bác lại rằng: “Mày cũng dùng tài liệu chứ nói ai?”)
Ad hominem là một chiến thuật phổ biến, thường được sử dụng khi người tham gia tranh luận không có đủ căn cứ để phản biện luận điểm đối phương một cách hợp lý.
Có thể thấy, “lập luận công kích cá nhân” là một kiểu ngụy biện xuất hiện rất nhiều trong các cuộc tranh luận, mà việc sử dụng nó (thậm chí là lạm dụng) lại rất dễ dàng.
Trong nhiều trường hợp, khi một người đưa ra một viện dẫn hướng đến việc hạ uy tín cá nhân của đối phương thay vì bàn về luận điểm của họ.
Nếu đối phương không thể phản bác ý kiến đó thì xem như phần thắng của cuộc tranh luận thuộc về người đưa ra “lập luận công kích cá nhân”. Vì người đối đầu với họ khi đó, về cơ bản, đã được xem là không đủ uy tín để đưa ra một luận điểm thật sự khách quan, đúng đắn.
Về cơ bản, kiểu lập luận này có thể giúp người dùng nó đạt được chiến thắng trong tranh luận một cách “phi chính nghĩa” (chiêu trò gian lận), làm cho cuộc tranh luận nhanh chóng đi đến hồi kết.
Đổi lại, luận điểm của người chịu tác động của “lập luận công kích cá nhân” dường như không được xem xét đến (tính đúng đắn, khách quan, khoa học,…).
Nói cách khác, kết quả của cuộc tranh luận chỉ là một thắng một thua, còn về phần luận điểm của người thua đưa ra trong tranh luận dường như vô nghĩa, bất kể nội dung của nó là gì.
Điều đó tác động xấu đến những cuộc tranh luận hướng đến việc tìm kiếm kiến thức, khi mà một luận điểm lại bị bỏ qua dễ dàng, thay vì được bàn luận một cách rõ ràng.
Xem thêm: [Phân tích] Xã hội học và Tâm lý học
Tại sao lại có những Phát ngôn thù hận/Công kích cá nhân hướng tới người khác?
Trong bối cảnh Việt Nam, công kích cá nhân và phát ngôn thù hận thường xuất hiện trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok, hoặc Zalo. Các cuộc tranh luận trực tuyến thường đi chệch khỏi chủ đề chính và biến thành những màn công kích cá nhân, khiến nhiều người tham gia không còn khả năng tập trung vào luận điểm ban đầu.
Một trong những lý do chính là cảm xúc cá nhân dễ bị kích thích trên môi trường mạng, nơi người ta có thể ẩn danh và không phải chịu trách nhiệm trực tiếp cho hành vi của mình.
Ở phần trên của bài viết đã xác định rõ những dấu hiệu bị lầm tưởng là “Công kích cá nhân” thực chất là “Phát ngôn thù hận”.
Do đó, chúng ta sẽ lý giải tại sao lại có nhiều những Phát ngôn thù hận hướng tới người khác đến mức lạm dụng.
Để giải thích cho sự lạm dụng những phát ngôn thù hận, ta có thể dẫn dắt những lý thuyết của nhà Xã hội học Pierre Bourdieu Thế kỷ 20.
Trong những nghiên cứu của Bourdieu (1986) đã giải thích rằng vốn biểu trưng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ và gia tăng quyền lực xã hội, và phát ngôn thù hận có thể được sử dụng như một công cụ để giảm giá trị biểu trưng của đối phương trong cuộc đấu tranh quyền lực.
Theo Bourdieu (1991), ngôn ngữ là một công cụ quan trọng của quyền lực biểu trưng, và các cá nhân sử dụng nó không chỉ để giao tiếp mà còn để định hình và duy trì vị thế xã hội thông qua sự thống trị ngôn ngữ.
Mối liên hệ của Vốn biểu trưng và Phát ngôn thù hận
Bourdieu đã nhấn mạnh rằng vốn biểu trưng là loại vốn đặc biệt quan trọng trong xã hội hiện đại. Nó không chỉ bao gồm danh tiếng và uy tín cá nhân, mà còn có khả năng ảnh hưởng đến sự công nhận xã hội.
Khi một cá nhân hoặc nhóm cảm thấy rằng vốn biểu trưng của mình bị đe dọa, họ có thể sử dụng các phương pháp bảo vệ, trong đó có phát ngôn thù hận, nhằm làm giảm giá trị biểu trưng của đối thủ.
Trong các cuộc tranh luận công khai hoặc các tình huống cạnh tranh, một người có thể dùng lời lẽ xúc phạm, chỉ trích thẳng vào cá nhân đối thủ để giảm uy tín và giá trị biểu trưng của họ.
Những phát ngôn này có thể nhằm mục đích làm cho đối phương mất uy tín trước công chúng, đồng thời làm nổi bật vị thế biểu trưng của người phát ngôn.
Trường xã hội và cạnh tranh vốn
Theo Bourdieu, xã hội được chia thành các trường (fields) — như chính trị, văn hóa, giáo dục, kinh tế — nơi các cá nhân hoặc nhóm cạnh tranh để giành quyền lực và lợi ích.
Phát ngôn thù hận có thể là một hành vi cạnh tranh giữa các cá nhân hoặc nhóm trong cùng một trường xã hội, nơi các tác nhân cạnh tranh để gia tăng hoặc bảo vệ vị thế của mình.
Khi một người cảm thấy mình bị đe dọa trong một trường xã hội, họ có thể sử dụng phát ngôn thù hận để hạ bệ đối thủ.
Điều này thường xảy ra khi hai cá nhân hoặc nhóm có vốn biểu trưng tương đồng và đang cố gắng cạnh tranh để duy trì hoặc nâng cao vị thế của mình.
Vốn xã hội và Phát ngôn thù hận
Vốn xã hội là các mối quan hệ, liên kết mà cá nhân có trong cộng đồng, đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì hoặc gia tăng quyền lực xã hội. Phát ngôn thù hận có thể được sử dụng như một công cụ để bảo vệ hoặc gia tăng vốn xã hội.
Khi một cá nhân hoặc nhóm cảm thấy bị đe dọa bởi đối thủ có vốn xã hội mạnh, họ có thể sử dụng các phương pháp tấn công cá nhân để làm giảm vốn xã hội của đối thủ, đồng thời củng cố hoặc gia tăng vốn xã hội của chính mình.
Sự đấu tranh về vốn
Bourdieu cho rằng xã hội là nơi diễn ra sự đấu tranh về các loại vốn, và phát ngôn thù hận là một trong những phương thức được sử dụng trong cuộc đấu tranh này.
Phát ngôn thù hận có thể xuất phát từ sự ghen tị, sợ hãi hoặc mong muốn giành quyền lực trong một trường xã hội nhất định. Những phát ngôn này giúp cá nhân hoặc nhóm thể hiện quyền lực và đánh bại đối thủ, thường bằng cách làm mất uy tín và hạ thấp giá trị biểu trưng của đối phương.
Trong một số trường hợp, phát ngôn thù hận còn được sử dụng để ngăn chặn sự thăng tiến của một cá nhân hoặc nhóm trong xã hội.
Kết luận
Công kích cá nhân và phát ngôn thù hận là hai khái niệm cần được phân biệt rõ ràng, nhưng đều có tác động tiêu cực đến chất lượng của các cuộc thảo luận và tranh luận.
Mặc dù là một lỗi lập luận trong tranh biện, đôi khi việc ứng dụng nó một cách chủ động có thể gây ảnh hưởng đến đối tượng mình tranh luận, có thể xem là lợi thế, mặc dù hầu hết mọi người đều nhìn nhận đây là một hình thức “gian lận”.
Từ góc độ của Pierre Bourdieu, phát ngôn thù hận là một hành động nằm trong sự đấu tranh về vốn xã hội và biểu trưng trong các trường xã hội khác nhau. Những phát ngôn này thường nhằm mục đích bảo vệ, củng cố hoặc tăng cường vị thế của cá nhân hoặc nhóm trong cuộc đấu tranh giành quyền lực xã hội
Trong khi Ad Hominem có thể là một lỗi lập luận (một cách vô ý), những phát ngôn thù hận hầu như đều là có chủ ý.
Để tạo ra một môi trường thảo luận lành mạnh, người tham gia cần nhận thức rõ về hậu quả của việc sử dụng công kích cá nhân và phát ngôn thù hận, từ đó tránh xa các hành vi này và thay vào đó tập trung vào nội dung và luận điểm của cuộc thảo luận.
Tài liệu tham khảo
Bourdieu, P. (1986). The forms of capital. In J. G. Richardson (Ed.), Handbook of theory and research for the sociology of education (pp. 241-258). Greenwood Press.
Bourdieu, P. (1991). Language and symbolic power. Harvard University Press.
Bourdieu, P. (1998). Practical reason: On the theory of action. Stanford University Press.
Curtis, William M.. “hate speech”. Encyclopedia Britannica, 27 Feb. 2024, https://www.britannica.com/topic/hate-speech. Accessed 3 March 2024.
Douglas N. Walton (1987). The Ad Hominem Argument as an Informal Fallacy,bậc học, University of Winnipeg.
Douglas N. Walton (1998). Ad Hominem Arguments,USA: The University of Alabama Press.
Douglas N. Walton (2004). Argumentation Schemes and Historical Origins of the Circumstantial Ad Hominem Argument,bậc học, University of Winnipeg.
https://dictionary.cambridge.org/vi/dictionary/english/ad-hominem
https://www.dictionary.com/browse/hate-speech
Phạm Lê Liên. (2015). Từ điển tiếng Việt thông dụng. NXB Hồng Đức, Hà Nội.
Swartz, D. L. (1997). Culture and power: The sociology of Pierre Bourdieu. University of Chicago Press.
Thompson, J. B. (1984). Studies in the theory of ideology. University of California Press.
Pingback: Lý thuyết hành động xã hội Max Weber (Social Action Theory)