Tâm lý Tội phạm không phải là một chủ đề mới, nhưng đến thời điểm hiện tại chủ đề này vẫn rất thu hút sự quan tâm của đông đảo đại chúng.

Buổi chiều ngày 13/09/2024, Talkshow “Tâm lý tội phạm và phòng chống tội phạm hiện nay” đã diễn ra thành công tại Trường Đại học Hùng Vương TP. Hồ Chí Minh, thu hút đông đảo sinh viên và người tham gia từ nhiều lĩnh vực khác nhau.

Đông đảo khách mời và khán giả tham dự chương trình. Ảnh: Huỳnh Hưởng
Đông đảo khách mời và khán giả tham dự chương trình. Ảnh: Huỳnh Hưởng

Đây là sự kiện được kỳ vọng mang đến góc nhìn sâu sắc về tâm lý học tội phạm, các yếu tố ảnh hưởng đến hành vi phạm pháp, cũng như những biện pháp phòng ngừa tội phạm hiệu quả.

Sân khấu chuẩn bị cho Diễn giả Chương trình. Ảnh: Huỳnh Hưởng

Chương trình được phối hợp tổ chức bởi Khoa Khoa học Sức khỏe và Khoa Luật của trường, với sự góp mặt của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực tâm lý học, luật học và phòng chống tội phạm:

TS. Trịnh Duy Thuyên – Khoa Luật – Đại học Kinh tế

ThS. Nguyễn Hoàng Anh Vũ – Phó khoa Tâm thể – Bệnh viện Thủ Đức

TS. Nguyễn Trường Thanh Hải – Khoa Khoa học sức khỏe – Đại học Hùng Vương Thành phố Hồ Chí Minh

ThS, Luật sư Đặng Trần Kha – Khoa Luật – Đại học Hùng Vương Thành phố Hồ Chí Minh

Mục tiêu talkshow: Tăng cường hiểu biết về tâm lý tội phạm

Talkshow hướng đến việc nâng cao nhận thức cộng đồng, đặc biệt là sinh viên, về lĩnh vực tâm lý tội phạm, một chủ đề vẫn còn khá mới mẻ nhưng vô cùng quan trọng trong xã hội hiện đại.

Nội dung của buổi Talkshow còn bao gồm các thảo luận về phòng và chống tội phạm hiện nay. Đây là nội dung giá trị, thiết thực và hướng đến trang bị những kiến thức thực tiễn cho khán thính giả.

Tội phạm không chỉ là vấn đề của lực lượng an ninh, mà còn liên quan đến tâm lý, xã hội học, và sự phát triển cá nhân.

Hiểu biết về các động cơ thúc đẩy hành vi phạm pháp có thể giúp xã hội phòng ngừa hiệu quả hơn, không chỉ thông qua việc tăng cường luật pháp mà còn thông qua việc giáo dục và can thiệp sớm.

Nội dung chính của talkshow: Từ lý thuyết đến thực tiễn

Mở đầu chương trình, ThS. Nguyễn Hoàng Anh Vũ đã trình bày những khái niệm cơ bản về tâm lý tội phạm và các yếu tố thúc đẩy hành vi phạm tội, nêu rõ rằng hành vi tội phạm không chỉ là kết quả của những yếu tố bên ngoài, mà còn là sự kết hợp phức tạp của các động lực nội tâm.

Diễn giả đã giới thiệu một số lý thuyết cơ bản về tội phạm, trong đó có lý thuyết của Gottfredson và Hirschi, nhấn mạnh vai trò của khả năng tự chủ và xu hướng hành vi bốc đồng trong việc thúc đẩy tội phạm.

Những người có khả năng tự chủ kém, bốc đồng và không nhạy cảm với nhu cầu của người khác thường có xu hướng dễ phạm tội hơn.

Đây là một trong những điểm nổi bật trong lý thuyết của Gottfredson và Hirschi. Họ nhấn mạnh rằng hành vi phạm tội chỉ có thể xảy ra khi khuynh hướng hành vi phạm pháp trùng với cơ hội.

-Nội dung chia sẻ của ThS. Nguyễn Hoàng Anh Vũ –

Bên cạnh đó, ThS. Nguyễn Hoàng Anh Vũ cũng đưa ra mối liên hệ giữa cấu trúc nhân cách và tội phạm.

Những rối loạn nhân cách như rối loạn chống đối xã hội (Antisocial Personality Disorder) và rối loạn ranh giới (Borderline Personality Disorder) có thể dẫn đến hành vi phạm tội, đặc biệt là khi các yếu tố nguy cơ khác như môi trường sống hoặc các mối quan hệ xã hội cũng đồng thời góp phần.

Một phần nội dung trình chiếu trong buổi Talkshow. Ảnh: Huỳnh Hưởng

Diễn giả cũng đã chỉ ra mối liên hệ giữa cấu trúc nhân cách và tội phạm qua nhiều các chỉ báo khác nhau, có thể dẫn đến hành vi phạm pháp nếu không được can thiệp sớm.

TS. Nguyễn Trường Thanh Hải đã mở rộng nội dung Tâm lý Tội phạm với phần thảo luận về tác động của cấu trúc não bộ đến hành vi phạm tội, mang đến cái nhìn sâu sắc về tác động của hệ thống não bộ đến hành vi tội phạm.

Phần trình bày của TS. Nguyễn Trường Thanh Hải. Ảnh: Huỳnh Hưởng

Diễn giả đã dẫn chứng trường hợp nổi tiếng của Phineas Gage, một công nhân đường sắt sống vào thế kỷ 19, người đã bị một thanh sắt lớn xuyên qua đầu, làm tổn thương nghiêm trọng vùng não trước trán.

Phineas Gage

Sau vụ tai nạn, tính cách và hành vi của Gage thay đổi hoàn toàn, từ một người có trách nhiệm và lịch sự thành một người bốc đồng, thô lỗ và không kiểm soát được hành vi.

Cấu trúc não bộ có thể ảnh hưởng mạnh mẽ đến hành vi tội phạm, đặc biệt là vùng vỏ não trước trán, nơi chịu trách nhiệm cho các quyết định đạo đức và khả năng kiểm soát hành vi. Khi vùng này bị tổn thương hoặc rối loạn, con người có thể trở nên dễ bị kích động, thiếu kiểm soát và dễ phạm tội.

-Nội dung chia sẻ của TS. Nguyễn Trường Thanh Hải-

Khác biệt giữa não người bình thường và não của kẻ sát nhân

Diễn giả cũng đề cập đến tác động của hệ thống limbic, đặc biệt là Amygdala, cơ quan chịu trách nhiệm kiểm soát cảm xúc như sợ hãi và sự hung hăng.

Những cá nhân mắc rối loạn nhân cách chống đối xã hội (Antisocial Personality Disorder) thường có rối loạn chức năng tại hệ thống limbic, dẫn đến việc họ không có khả năng kiểm soát các hành vi bạo lực hoặc tấn công người khác.

Ngoài ra, talkshow còn đề cập đến vai trò của chất dẫn truyền thần kinh như dopamine và serotonin trong việc điều chỉnh hành vi. Việc giảm dopamine có thể dẫn đến hành vi hung hăng, trong khi giảm serotonin lại gây ra các hành vi chống đối và bạo lực.

Trong phần chia sẻ của TS. Trịnh Duy Thuyên đã thảo luận về nội dung : Tội phạm không phải là hành vi xảy ra độc lập mà là kết quả của những yếu tố phức tạp liên quan đến tâm lý, môi trường, và xã hội.

Xem thêm: Tâm lý học là gì? 150 năm Phát triển và Ứng dụng

Việc phân tích tâm lý tội phạm sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về nguyên nhân gốc rễ của tội phạm và từ đó tìm ra cách phòng ngừa hiệu quả hơn.

Diễn giả cũng chia sẻ về những trường hợp thực tế, trong đó yếu tố tâm lý đã giúp xác định hành vi phạm tội của đối tượng.

Phần trình bày của TS. Trịnh Duy Thuyên. Ảnh: Huỳnh Hưởng

Trong phần trình bày của mình, TS. Trịnh Duy Thuyên đã đề cập đến vụ xét xử nổi tiếng của Hải Bánh, một vụ án từng gây chấn động dư luận Việt Nam.

Vụ án này liên quan đến hành vi phạm tội của Nguyễn Tuấn Hải, biệt danh “Hải Bánh”, một tên trùm xã hội đen tại TP. Hồ Chí Minh trong thập niên 1990.

TS. Trịnh Duy Thuyên sử dụng vụ án Hai Bánh như một “ca điển hình” để minh họa cho tầm quan trọng của việc nghiên cứu tâm lý tội phạm trong hệ thống pháp luật và cách áp dụng kiến thức này trong quá trình điều tra, xét xử.

Diễn giả cho rằng tâm lý tội phạm không chỉ dừng lại ở việc hiểu hành vi bề ngoài của người phạm tội mà còn là việc đi sâu vào động cơ, quá trình ra quyết định của họ.

Qua trình bày các quan điểm từ khoa học, thực tế và cá nhân, diễn giả cũng nhấn mạnh tầm quan trọng trọng việc ứng dụng Tâm lý học trong quá trình điều tra, truy vết và thu thập thông tin từ tội phạm, sự cần thiết phải hiểu rõ tâm lý và động lực của tội phạm để có thể đưa ra những biện pháp phòng, chống hiệu quả hơn.

Nhận diện dấu hiệu tội phạm từ sớm dưới góc nhìn Tâm lý Tội phạm

Chương trình cũng dành thời gian để thảo luận về những dấu hiệu tiềm tàng của hành vi tội phạm ngay từ giai đoạn trẻ nhỏ. Theo nghiên cứu của các chuyên gia, một số trẻ em có biểu hiện như Pyromania (xung động đốt phá) hay rối loạn hành vi có nguy cơ cao phát triển thành những cá nhân phạm tội nếu không được can thiệp sớm.

Một số biểu hiện khác ở trẻ em như rối loạn hành vi (Conduct Disorder) cũng cần được chú ý. Những trẻ em này thường có xu hướng bắt nạt bạn bè, tấn công người lớn, hành hạ động vật, hoặc có xu hướng nói dối bệnh lý.

Việc nhận diện những biểu hiện này có thể giúp các chuyên gia và phụ huynh can thiệp kịp thời, giúp trẻ em tránh khỏi con đường dẫn đến hành vi phạm pháp.

ThS. Nguyễn Hoàng Anh Vũ cho rằng việc theo dõi và can thiệp kịp thời những dấu hiệu bất thường này là một trong những cách hiệu quả nhất để phòng chống tội phạm từ sớm.

Hành vi phạm tội không chỉ xảy ra đột ngột mà thường là kết quả của một quá trình dài phát triển từ những yếu tố nhỏ nhặt mà chúng ta có thể bỏ qua. Việc theo dõi và can thiệp sớm là vô cùng quan trọng.

-Nội dung chia sẻ của ThS. Nguyễn Hoàng Anh Vũ-

Phòng chống tội phạm từ góc nhìn liên ngành

Phần trình bày của ThS, LS. Đặng Trần Kha. Ảnh: Huỳnh Hưởng

Phần cuối của talkshow được dẫn dắt bởi ThS, LS. Đặng Trần Kha, với nội dung tập trung vào các biện pháp phòng chống tội phạm từ góc độ pháp lý.

Diễn giả khẳng định rằng sự kết hợp giữa tâm lý học và luật pháp là cách tiếp cận mang lại hiệu quả cao để giải quyết vấn đề tội phạm hiện nay.

Đồng thời, ThS, LS Đặng Trần Kha cũng có những thảo luận kết hợp với những quan điểm của TS. Trịnh Duy Thuyên, cùng nêu lên những tình huống thực tế và chia sẻ các biện pháp pháp lý mà mọi người có thể áp dụng khi gặp phải các tình huống nguy hiểm, như việc đối mặt với kẻ biến thái hay bạo lực.

Bên cạnh đó, các diễn giả còn nhấn mạnh vai trò của môi trường sống, gia đình, bạn bè và cộng đồng trong việc ảnh hưởng đến hành vi phạm tội.

Những nghiên cứu về Tâm lý Tội phạm đã chỉ ra rằng sự tương tác xã hội có thể định hình hành vi của một cá nhân.

Tiêu biểu là Lý thuyết liên kết khác biệt của Edwin Sutherland cho thấy hành vi phạm tội được học hỏi thông qua quá trình giao tiếp và tương tác với các nhóm cá nhân thân mật.

Phần thảo luận giữa các Diễn giả. Ảnh: Huỳnh Hưởng
Khán giả đặt câu hỏi cho Diễn giả. Ảnh: Huỳnh Hưởng
TS. Trịnh Duy Thuyên giao lưu với khán giả chương trình. Ảnh: Huỳnh Hưởng
Khán giả đặt câu hỏi cho Diễn giả. Ảnh: Huỳnh Hưởng

Những phản hồi từ khán giả

Buổi talkshow đã nhận được phản hồi tích cực từ khán giả, đặc biệt là các bạn sinh viên tham dự. Nhiều người cho biết họ đã mở rộng hiểu biết về tâm lý học tội phạm và cảm thấy tự tin hơn trong việc phòng ngừa tội phạm.

Một số khán giả bày tỏ rằng những thông tin khoa học và các trường hợp thực tế mà các diễn giả trình bày đã giúp họ có cái nhìn toàn diện và thực tiễn về vấn đề.

Một khán giả chia sẻ: “Em cảm thấy rất ấn tượng với cách các diễn giả phân tích tâm lý tội phạm. Những ví dụ rất thực tế và phân tích từ cả góc độ pháp luật và tâm lý. Nó giúp em hiểu rõ hơn về hành vi tội phạm và làm thế nào để có thể phòng tránh”.

“Đây là một chủ đề rất là “hot” hiện nay nên em cảm thấy rất mong đợi. Trong chương trình cũng đã được nghe các chuyên gia diễn giải rất là chi tiết. Em cảm thấy mình đã hiểu hơn về chủ đề tâm lý tội phạm và cũng biết thêm về phòng chống tội phạm hiện nay”.

Tổng kết

Talkshow “Tâm lý tội phạm và phòng chống tội phạm hiện nay” không chỉ cung cấp lý thuyết chuyên sâu mà các kiến thức trong chương trình mang tính liên ngành, đưa ra một hướng tư duy rộng mở, đa chiều, mở ra những góc nhìn mới về cách nhận diện và đối phó với tội phạm trong xã hội hiện đại.

Ảnh: Huỳnh Hưởng

Trong nhiều trường hợp, việc chống trả trực tiếp có thể không phải là lựa chọn tốt nhất, đặc biệt là khi đối phương có ưu thế về sức mạnh.

Trong những trường hợp không thể tự vệ, nạn nhân có thể tìm cách “đánh lạc hướng” hoặc giả bộ đồng thuận để tạo cơ hội thoát thân. Việc hiểu rõ tâm lý của kẻ phạm tội là rất quan trọng trong việc lựa chọn phương án tự vệ phù hợp.

-Nội dung chia sẻ của TS. Trịnh Duy Thuyên-

Chương trình không chỉ mang lại giá trị học thuật mà còn tạo cơ hội giao lưu và học hỏi giữa sinh viên các khoa, giúp họ chuẩn bị tốt hơn cho tương lai.

Thông tin chương trình

TALKSHOW TÂM LÝ TỘI PHẠM VÀ PHÒNG NGỪA TỘI PHẠM HIỆN NAY

Bạn có tò mò về thế giới nội tâm phức tạp của tội phạm? Bạn muốn hiểu rõ hơn về các biện pháp phòng ngừa tội phạm hiện đại?

 Đừng bỏ lỡ talkshow hấp dẫn này, nơi những bí ẩn sẽ được hé lộ!

 Thời gian: 13:00 – 16:30, ngày 13/09/2024

 Địa điểm: P. 509, số 28 – 30 Ngô Quyền, Phường 6, Quận 5, Tp. Hồ Chí Minh

 Diễn giả:

* Tiến sĩ Trịnh Duy Thuyên – Khoa Luật – Đại học Kinh tế

* Thạc sĩ Hoàng Anh Vũ – Phó khoa Tâm thể – Bệnh viện Thủ Đức

* Tiến sĩ Nguyễn Trường Thanh Hải – Khoa khoa học sức khỏe – Đại học Hùng Vương TP. Hồ Chí Minh

* Thạc sĩ – Luật sư Đặng Trần Kha – Khoa Luật – Đại học Hùng Vương TP. Hồ Chí Minh

 Đơn vị tổ chức: Khoa Khoa học Sức khỏe và Khoa Luật – Trường Đại học Hùng Vương TP. Hồ Chí Minh

 Mục đích:

* Cung cấp kiến thức về tội phạm, tâm lý học tội phạm và các biện pháp phòng ngừa tội phạm

* Tạo cơ hội giao lưu giữa sinh viên 2 khoa & khám phá khoa học liên ngành

 Talkshow sẽ mang đến cho bạn:

* Hiểu biết sâu sắc về tâm lý tội phạm

* Nắm bắt các phương pháp phòng ngừa tội phạm hiệu quả

* Góc nhìn đa chiều về vấn đề tội phạm từ các chuyên gia hàng đầu

* Cơ hội kết nối và học hỏi từ các bạn sinh viên khác

Khoa Luật – Trường Đại học Hùng Vương TPHCM

 Địa chỉ: Tầng 6, 28 – 30 Ngô Quyền, Phường 6, Quận 5, TP. HCM

 Email: law@dhv.edu.vn

 Website: law.dhv.edu.vn

Related Posts

One thought on “Talkshow Tâm Lý Tội Phạm và Phòng Chống Tội Phạm Hiện Nay

  1. Pingback: Nhà tâm lý học tội phạm làm gì? - PSYEZ Media

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *