“Con nhà người ta” là một cụm từ mà gần như cha mẹ Việt Nam nào cũng nhắc đến, như một phần không thể thiếu trong cộng đồng người Việt Nam. Đây là một hiện tượng vô cùng phổ biến thường xuyên xuất hiện trong mỗi gia đình, nhưng chính xác thì “con nhà người ta” là ai thì không rõ.
Cha mẹ thường sẽ có những phát biểu như: “Con nhà người ta giờ này đã là…”; “Mày nhìn con nhà người ta kìa…”; “Con mình không được như con nhà người ta”.
Những người con thì nghe đến nỗi “phát ngán”, chỉ cần thấy thời sự hay một chương trình gì về học sinh giỏi, thiên tài trẻ tuổi,… Chỉ muốn trốn đi cho yên.
Nó phổ biến đến nỗi, từ một nỗi ám ảnh cá nhân, dần trở thành một trò đùa trong cộng đồng giới trẻ.
Nhưng hôm nay, chúng ta sẽ đi sâu vào xem xét tại sao cha mẹ lại so sánh con mình với “con nhà người ta” , và con nhà người ta rốt cuộc là người như thế nào.
Định nghĩa
Chắc chắn sẽ không có từ điển nào định nghĩa “con nhà người ta” nghĩa là gì, từ loại nào, cũng không có một hồ sơ chính thức cho “nhân vật” này.
Nhưng tôi tin chắc rằng bạn sẽ đưa ra được một vài mô tả khi nghe đến cụm từ này, và ở đây, chúng ta sẽ liệt kê ra một vài đặc điểm chung nhất:
- Là một người rất tài giỏi, ít nhất là trong một lĩnh vực nổi bật, thậm chí là đa lĩnh vực.
- Làm được những điều mà người thường khó làm được.
- Thành tích nổi trội so với những người cùng lứa tuổi.
Bởi vì cụm từ này thường được dùng bởi các bậc phụ huynh, và chữ “con” xuất hiện trong cụm từ, chúng ta dễ dàng hiểu rằng “con nhà người ta” vẫn còn trẻ!
Hiện tượng này rất phổ biến trong văn hóa Việt Nam, nơi mà thành công thường được đo lường bằng thành tích học tập, công việc và địa vị xã hội.
Điều này không chỉ là vấn đề cá nhân mà còn là phản ánh sâu sắc những chuẩn mực xã hội và kỳ vọng của gia đình. Sự so sánh này đôi khi không chỉ diễn ra trong nội bộ gia đình mà còn giữa bạn bè, đồng nghiệp, tạo ra một môi trường cạnh tranh thiếu lành mạnh.
Sự lan rộng của hiện tượng này không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý cá nhân mà còn tác động đến cấu trúc xã hội nói chung.
Ngày nay, với sự phát triển của công nghệ thông tin và mạng xã hội, hiện tượng “con nhà người ta” càng trở nên phổ biến hơn bao giờ hết. Các thông tin về thành tích học tập, công việc và cuộc sống của những người xung quanh được chia sẻ dễ dàng trên các nền tảng mạng xã hội, từ đó gia tăng áp lực so sánh cho thế hệ trẻ.
Xét trên khía cạnh xã hội hóa, gia đình và môi trường xung quanh đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách và chuẩn mực thành công.
Và trong nhiều gia đình Việt Nam, thành công được xem như một thành quả không thể thiếu, và điều này thường được thể hiện qua việc so sánh con cái với bạn bè hoặc những người hàng xóm.
Như vậy, chúng ta đã có cái nhìn khái quát về định nghĩa của cụm từ “con nhà người ta”, trong phần sau, chúng ta sẽ đi sâu vào lý giải sự tồn tại của hiện tượng này.
Tại sao lại có hiện tượng “con nhà người ta”
Nguyên nhân của hiện tượng “con nhà người ta” bắt nguồn từ nhiều yếu tố văn hóa và xã hội. Một phần lớn trong đó là truyền thống giáo dục khắc nghiệt, nơi mà cha mẹ thường áp đặt kỳ vọng cao về thành công cho con cái.
Trong văn hóa Việt Nam, việc nuôi dạy con cái gắn liền với sự mong đợi về thành công, dẫn đến việc đứa trẻ trong gia đình cảm thấy cần phải đạt được những thành tích vượt trội để được công nhận và yêu thương.
Áp lực từ gia đình và xã hội khiến cho người trẻ không chỉ cạnh tranh với bạn bè mà còn với cả những người không quen biết.
Ví dụ, cha mẹ thường sử dụng những câu nói như “Từng tuổi này người ta có tiền mua nhà, lập gia đình rồi mày còn chưa học xong đại học nữa”.
Ngoài ra, một yếu tố quan trọng khác tạo ra hiện tượng này là sự phát triển của nền kinh tế và xã hội. Trong bối cảnh xã hội đang phát triển nhanh chóng, người trẻ cảm thấy áp lực phải theo kịp với những tiêu chuẩn mới của thành công.
Mạng xã hội, với khả năng truyền tải thông tin nhanh chóng và mạnh mẽ, đã tạo ra một nền tảng mới cho việc so sánh này.
Người trẻ rất dễ cảm thấy áp lực khi nhìn thấy thành công của bạn bè trên mạng xã hội. Những hình ảnh lý tưởng hóa trên các nền tảng này không chỉ tạo ra một tiêu chuẩn không thực tế về thành công mà còn khiến người dùng cảm thấy tự ti và không đủ khả năng, dẫn đến tình trạng “so sánh vô hạn”.
Để lý giải hiện tượng này, ta sẽ sử dụng một lý thuyết tiêu biểu trong khoa học xã hội đó là lý thuyết So sánh Xã hội của Leon Festinger.
Giới thiệu lý thuyết so sánh xã hội
Lý thuyết so sánh xã hội, được phát triển bởi nhà tâm lý học Leon Festinger vào năm 1954, tập trung vào cách mà con người tự đánh giá bản thân thông qua việc so sánh với người khác. Festinger (1954) cho rằng con người có nhu cầu bẩm sinh để hiểu và đánh giá bản thân trong mối quan hệ với những người xung quanh.
Theo lý thuyết này, việc so sánh không chỉ diễn ra trong các lĩnh vực như thành tích học tập hay nghề nghiệp mà còn lan rộng đến nhiều khía cạnh khác của cuộc sống, bao gồm ngoại hình, khả năng xã hội và các kỹ năng khác.
Có hai loại so sánh chính được Festinger xác định: so sánh lên (upward comparison) và so sánh xuống (downward comparison).
So sánh lên xảy ra khi một người so sánh bản thân với những người có thành tích cao hơn, từ đó có thể cảm thấy tự ti hoặc không đủ khả năng. Ngược lại, so sánh xuống diễn ra khi một người so sánh mình với những người có thành tích thấp hơn, giúp họ cảm thấy tốt hơn về bản thân (Wood, 1989).
Cả hai hình thức so sánh này đều có thể ảnh hưởng đến cảm xúc và hành vi của cá nhân, từ việc tăng cường động lực đến gây ra cảm giác lo âu và trầm cảm.
Trong bối cảnh văn hóa Việt Nam, lý thuyết này rất thích hợp để lý giải hiện tượng “con nhà người ta.” Các thanh thiếu niên thường so sánh bản thân với bạn bè và những người khác trong cộng đồng, dẫn đến áp lực phải đạt được những chuẩn mực thành công mà xã hội đặt ra.
Sự phổ biến của mạng xã hội càng làm gia tăng sự so sánh này, khi mà thông tin về thành tích của người khác được chia sẻ rộng rãi, khiến cho thanh thiếu niên cảm thấy họ cần phải “theo kịp” với những thành công mà họ thấy trên nền tảng trực tuyến.
Chỉ cần mở các trang mạng xã hội lên, không khó để có thể bắt gặp hình ảnh “học bá” tại các quốc gia; các nhà nghiên cứu trẻ, doanh nhân trẻ,… Rất nhiều những hình tượng về những người trẻ tuổi (có khi nhỏ tuổi hơn cả “mình”), nhưng đã đạt tới cột mốc được xem là thành công trong xã hội.
Trong bối cảnh xã hội Việt Nam, thành công thường được đo bằng các tiêu chuẩn truyền thống như học vấn và nghề nghiệp.
Không ít phụ huynh, thậm chí là cả những bạn trẻ, có quan điểm học giỏi, điểm số cao, nhiều bằng cấp thì là thành công. Quá trình học hỏi, chuẩn bị cho sự gia nhập lao động xã hội bị đánh đồng với việc tạo ra tài sản vật chất.
Điều này không chỉ dừng lại ở áp lực từ phụ huynh dành cho con cái, nó còn là áp lực mà giới trẻ tự tạo cho chính mình mà nhiều người thường gọi là “áp lực đồng trang lứa”.
Lý thuyết so sánh xã hội đã giúp hiểu rõ hơn về tâm lý cá nhân. Nó cũng mở ra cái nhìn về các động lực xã hội rộng lớn hơn, cho thấy rằng các giá trị và chuẩn mực xã hội có thể tác động đến cách mà cá nhân cảm nhận về bản thân và tương lai của họ.
Tại sao hiện tượng này lại phổ biến ở Việt Nam?
Hiện tượng “con nhà người ta” phổ biến hơn ở Việt Nam do nhiều yếu tố văn hóa và xã hội.
Áp lực từ gia đình và xã hội khiến cho người trẻ cảm thấy cần phải đạt được những chuẩn mực cao hơn để được công nhận. Trong bối cảnh kinh tế đang phát triển, thành công thường được đo lường bằng tài sản, địa vị và thành tích học tập, điều này càng khiến cho các bạn trẻ cảm thấy cần phải cạnh tranh để không bị coi thường.
Một yếu tố khác là tính đồng nhất trong xã hội Việt Nam. Nền văn hóa Việt Nam có đặc điểm là tính đồng nhất trong tư tưởng và lối sống. Sự thống nhất này dễ dàng dẫn đến việc coi thường sự đa dạng và chấp nhận các con đường khác nhau để đạt được thành công.
Tức là, khi một người làm điều gì và trở nên có địa vị, tiền tài, uy tín trong xã hội, con đường của người đó sẽ được đánh giá cao, và phụ huynh muốn con minh cũng đi theo như vậy để được như “con nhà người ta”.
Mà con đường học vấn chính là con đường được tín nhiệm nhất bởi các bậc phụ huynh Việt Nam cho đến thời điểm hiện tại.
Nhiều người Việt Nam vẫn còn giữ quan niệm rằng chỉ có một con đường duy nhất dẫn đến thành công, đó là học giỏi, vào đại học danh tiếng và làm việc tại các tập đoàn lớn.
Sự phổ biến của hiện tượng này còn được thể hiện qua cách mà cha mẹ, ông bà và thậm chí cả giáo viên thường xuyên nhắc nhở trẻ em về thành công của những người khác.
Việc này không chỉ tạo ra áp lực cho trẻ mà còn làm giảm sự tự tin và khả năng tự định hình tương lai của chúng. Sự thiếu hụt về tự tin và sự tự lập trong suy nghĩ của trẻ em phần lớn là do áp lực từ việc phải theo kịp với những thành công của người khác.
Hệ thống giáo dục ở Việt Nam thường tạo ra áp lực cạnh tranh cao giữa các học sinh, qua việc xếp hạng học lực, đề cao học sinh có năng lực học tập trong chuong trình phổ thông.
Theo nghiên cứu của Luthar và Becker (2002), những kỳ vọng cao từ gia đình và trường học có thể dẫn đến sự cạnh tranh không lành mạnh, nơi mà trẻ em cảm thấy cần phải so sánh bản thân với bạn bè để đạt được thành tích tốt hơn. Áp lực này có thể làm gia tăng mức độ lo âu và cảm giác thiếu tự tin ở trẻ.
Phụ huynh, và cả giáo viên, có thể tin rằng việc so sánh sẽ tạo ra sự cạnh tranh tích cực, giúp trẻ có động lực hơn. Họ nghĩ rằng khi trẻ thấy mình không bằng bạn bè, chúng sẽ cố gắng nỗ lực hơn để cải thiện bản thân. Tuy nhiên, điều này không phải lúc nào cũng đúng.
Trẻ em thường nhạy cảm với ý kiến của người khác và dễ bị ảnh hưởng bởi sự đánh giá từ những người xung quanh như cha mẹ, thầy cô, bạn bè.
Việc so sánh xã hội trở nên mạnh mẽ trong giai đoạn phát triển này, và nếu trẻ cảm thấy mình không đạt tiêu chuẩn, điều này có thể dẫn đến những hệ quả tiêu cực như tự ti và lo âu.
Có thể nói, việc phải chịu sự so sánh từ khi còn nhỏ dần dần đã trở thành khuôn mẫu trong lối tư duy của một người khi lớn lên, điều đó có thể đã tiếp nối qua nhiều thế hệ, và giới trẻ thời nay cũng không ngoại lệ.
Trong nhiều nền văn hóa, bao gồm cả Việt Nam, thành công của một người thường được liên kết với danh dự và uy tín của gia đình. Phụ huynh cảm thấy áp lực phải chứng tỏ rằng con cái của họ đang phát triển tốt và không thua kém bạn bè. Điều này có thể dẫn đến việc so sánh để thể hiện sự thành công trong vai trò làm cha mẹ (Harter, 1999).
Ngoài các yếu tố trên, tâm lý cạnh tranh là một đặc điểm nổi bật trong văn hóa Việt Nam, mà trong các xã hội có tính tập thể cao, việc so sánh giữa các cá nhân thường diễn ra mạnh mẽ hơn.
Người trẻ trong bối cảnh này dễ dàng bị cuốn vào việc so sánh với bạn bè và người khác, dẫn đến những cảm giác tội lỗi và không thỏa mãn khi không đạt được thành tích như mong đợi (Triandis, 1995).
Hệ quả
Hệ quả của hiện tượng “con nhà người ta” không thể xem nhẹ. Sự so sánh này có thể dẫn đến cảm giác tự ti, trầm cảm và áp lực tâm lý cho giới trẻ, tạo ra một môi trường cạnh tranh không lành mạnh. Áp lực từ việc không đạt được kỳ vọng của gia đình có thể gây ra cảm giác thất bại và dẫn đến khủng hoảng về bản sắc.
Nghiêm trọng hơn, nhiều trường hợp trẻ em, thanh thiếu niên phải đối mặt với trầm cảm, lo âu, và thậm chí có ý định tự tử.
Trên thực tế, tỷ lệ tự tử ở thanh thiếu niên Việt Nam đã có xu hướng gia tăng, phần lớn là do áp lực từ xã hội và gia đình.
Hiện tượng “con nhà người ta” cũng gây ra sự phân hóa trong xã hội, khi những người không đạt được chuẩn mực thành công bị coi thường hoặc loại bỏ khỏi các mối quan hệ xã hội.
Tình trạng này dễ dẫn đến việc một bộ phận thanh thiếu niên cảm thấy bị tách biệt, không được chấp nhận trong các mối quan hệ xã hội, từ đó làm gia tăng cảm giác cô đơn và tuyệt vọng.
Từ góc độ tâm lý học, hiện tượng này cũng có thể dẫn đến sự phát triển của các rối loạn tâm lý như rối loạn lo âu và trầm cảm, khi một người cảm thấy không thể đạt được những kỳ vọng mà xã hội và gia đình đặt ra. Áp lực từ việc so sánh xã hội có thể khiến cá nhân cảm thấy như mình đang sống trong một cuộc đua không bao giờ có điểm dừng.
Việc so sánh xã hội là một quá trình tự nhiên, trong đó con người đánh giá bản thân thông qua mối quan hệ với người khác.
Tuy nhiên, đối với trẻ em, những so sánh này có thể dẫn đến nhiều hệ quả tích cực hoặc tiêu cực. Hệ quả này không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý mà còn có thể tác động đến hành vi và sự phát triển của đứa trẻ.
Theo Festinger (1954), việc so sánh với người khác có thể làm gia tăng hoặc giảm sút sự tự tin, tùy thuộc vào kết quả so sánh. Nếu trẻ cảm thấy mình vượt trội hơn người khác, điều này có thể củng cố lòng tự trọng. Ngược lại, nếu trẻ cảm thấy thua kém, điều này có thể dẫn đến cảm giác thiếu tự tin và tự trách bản thân.
Việc so sánh có thể ảnh hưởng đến quyết định và hành vi của cá nhân, khi nhìn thấy bạn bè hoặc anh chị em có thành tích tốt hơn, chúng có thể cảm thấy động lực để cải thiện bản thân. Tuy nhiên, nếu so sánh dẫn đến cảm giác bất mãn, người đó có thể mất động lực và từ bỏ các nỗ lực học tập hoặc phát triển cá nhân (Mussweiler và Strack, 1999)
Việc so sánh cũng có thể tạo ra căng thẳng trong các mối quan hệ xã hội. Những người có sự so sánh tiêu cực có thể cảm thấy ghen tỵ hoặc thù địch với nhau. Điều này đặc biệt quan trọng trong môi trường học đường, nơi mà việc so sánh có thể dẫn đến sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các bạn học (Tesser, 1988).
Giải pháp
Nếu bạn nghĩ đến việc làm sao để không còn hiện tượng “con nhà người ta” thì tôi cho rằng sẽ không có một biện pháp tối ưu để xóa bỏ nó.
Dù rằng đa số trong chúng ta cảm thấy không dễ chịu khi bị so sánh với “con nhà người ta”, cảm giác uất hận, ganh tị,… có thể nảy sinh, và cả những lúc chúng ta tự nhìn nhận bản thân kém cỏi cũng không phải dễ dàng.
Nhưng chúng ta cũng phải thừa nhận một điều là mọi việc đều có hai mặt tốt và xấu, tích cực và tiêu cực. Nếu chúng ta cân nhắc đến vấn đề này, cái gọi là giải pháp thực chất là cách để chúng ta giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực từ sự so sánh “con nhà người ta”.
Việc áp dụng lý thuyết So sánh Xã hội có thể giúp phân tích những áp lực mà giới trẻ phải đối mặt, đồng thời cung cấp nền tảng để xây dựng các giải pháp nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của hiện tượng này.
Để giảm thiểu tác động của hiện tượng “con nhà người ta,” cần có sự thay đổi từ cả gia đình và xã hội. Cha mẹ có thể áp dụng các phương pháp giáo dục tích cực, khuyến khích con cái phát triển theo những gì mà chúng thực sự yêu thích và có khả năng, thay vì chỉ tập trung vào thành tích học tập.
Các chương trình giáo dục về tâm lý, kỹ năng mềm, và phát triển bản thân có thể giúp tạo ra một môi trường hỗ trợ cho sự phát triển của thế hệ trẻ.
Ngoài ra, việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa và chương trình tư vấn tâm lý trong trường học có thể giúp các bạn học sinh phát triển kỹ năng xã hội từ sớm và giảm thiểu áp lực từ so sánh xã hội.
Cần thiết phải nâng cao nhận thức của cộng đồng về sự quan trọng của sức khỏe tâm thần để xây dựng một xã hội sẵn sàng hỗ trợ lẫn nhau và bao dung hơn.
Một giải pháp quan trọng khác là cha mẹ nên được biết về sự đa dạng trong thành công và tôn trọng sự lựa chọn của con cái.
Tạo ra một môi trường mà trẻ em có thể tự do khám phá sở thích và đam mê của mình mà không phải chịu áp lực từ các tiêu chuẩn xã hội là điều cần thiết.
Điều này không chỉ giúp trẻ phát triển bản thân mà còn tạo ra một thế hệ tự tin, sáng tạo và có khả năng đối mặt với thách thức trong cuộc sống.
Kết luận
Hiện tượng “con nhà người ta” đã trở thành một phần không thể thiếu trong văn hóa và tâm lý xã hội Việt Nam. Áp lực từ việc so sánh không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân mà còn tác động đến cấu trúc xã hội.
So sánh xã hội là một phần không thể thiếu trong quá trình phát triển của cá nhân. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh và giáo viên cần nhận thức rõ về những hệ quả của việc so sánh này để có thể giúp một người trẻ phát triển một cách tích cực và lành mạnh.
Việc tạo ra một môi trường phát triển mà không bị áp lực từ sự kỳ vọng quá mức từ gia đình, bản thân và những người xung quanh là điều rất đáng lưu tâm.
Để giảm thiểu tác động tiêu cực của hiện tượng này, cần có sự thay đổi từ cả gia đình và xã hội. Cần thiết phải tạo ra một môi trường giáo dục hỗ trợ, tôn trọng sự đa dạng và khuyến khích trẻ em phát triển theo những gì mà chúng thực sự đam mê, giúp xây dựng một thế hệ mới tự tin và thành công hơn.
Nguồn tham khảo
Triandis, H. C. (1995). Individualism & collectivism. Westview Press.
Harter, S. (1999). The construction of the self: A developmental perspective. New York, NY: Guilford Press.
Luthar, S. S., & Becker, B. E. (2002). Privileged but pressured? A study of affluent youth. Child Development, 73(5), 1593-1610. https://doi.org/10.1111/1467-8624.00492
Schunk, D. H. (2003). Self-efficacy for reading and writing: Influence of modeling, goal setting, and self-evaluation. Reading & Writing Quarterly, 19(2), 159-172. https://doi.org/10.1080/10573560308219
Festinger, L. (1954). A theory of social comparison processes. Human Relations, 7(2), 117-140. https://doi.org/10.1177/001872675400700202
Mussweiler, T., & Strack, F. (1999). Comparing is believing: A selective accessibility model of judgmental anchoring. Personality and Social Psychology Bulletin, 25(10), 1252-1264. https://doi.org/10.1177/0146167299259005
Tesser, A. (1988). Toward a self-evaluation maintenance model of social behavior. In L. Berkowitz (Ed.), Advances in experimental social psychology (Vol. 21, pp. 181-227). Academic Press. https://doi.org/10.1016/S0065-2601(08)60226-9
Festinger, L. (1954). A theory of social comparison processes. Human Relations, 7(2), 117-140. https://doi.org/10.1177/001872675400700202
Wood, J. V. (1989). Theory and research concerning social comparison and adjustment. Psychological Bulletin, 106(2), 231-248. https://doi.org/10.1037/0033-2909.106.2.231