Nhu cầu chăm sóc sức khỏe tinh thần ngày một tăng đòi hỏi sự phát triển những mô hình mới trong Thực hành Lâm sàng đối với lĩnh vực Tâm lý học và Tâm thần học.
Buổi chiều ngày 27/10/2024, Trung tâm Tham vấn và Trị liệu Tâm lý Lumos đã tổ chức thành công buổi Talkshow “Phối hợp liên ngành Tâm lý – Tâm thần trong Thực hành Lâm sàng” tại Viva Star Cafe – 354/15 Lý Thường Kiệt, P.14, Quận 10.
Sự kiện đã mở màn cho một thảo luận chuyên sâu về mô hình phối hợp Tâm lý – Tâm thần, một mô hình được kỳ vọng sẽ mang đến những đột phá mới trong việc chăm sóc sức khỏe tinh thần.
Đến tham dự chương trình là các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm thực hành và giảng dạy trong lĩnh vực Tâm lý, Tâm thần, cùng với đó là các bạn sinh viên, thực tập sinh thuộc cùng lĩnh vực.
Diễn giả chính của chương trình gồm có:
Thạc sĩ Vương Nguyễn Toàn Thiện – Giám đốc Chuyên môn Tâm lý Lumos; Chuyên gia trong lĩnh vực tâm lý lâm sàng tại: bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố, Vinmec
Bác sĩ Phạm Trần Thành Nghiệp – BS.CK1 đơn vị Tâm Thần – Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn; Bác sĩ Nội trú Bộ môn Tâm thần – Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh.
Là những người đã có chuyên môn và kinh nghiệm trong lĩnh vực của mình, hai diễn giả đã chia sẻ những góc nhìn sâu sắc về môi trường làm việc và cách thức phối hợp giữa các chuyên gia tâm lý và bác sĩ tâm thần trong điều trị lâm sàng, cung cấp những thông tin giá trị và mở ra những góc nhìn mới cho người tham dự.
Nội dung chính của Talkshow
Về Tâm lý học
Tâm lý học là một ngành khoa học nghiên cứu về hành vi, cảm xúc và quá trình nhận thức của con người. Nó khám phá cách mà chúng ta suy nghĩ, cảm nhận, hành động, và phản ứng với môi trường xung quanh cũng như các yếu tố cá nhân và xã hội ảnh hưởng đến tâm lý và hành vi. Tâm lý học bao gồm nhiều lĩnh vực, như tâm lý học lâm sàng, tâm lý học giáo dục, tâm lý học phát triển, và tâm lý học tổ chức.
Nhà tâm lý học là người được đào tạo và có chuyên môn trong việc nghiên cứu và áp dụng các kiến thức về tâm lý học để giúp cải thiện sức khỏe tinh thần, thúc đẩy khả năng thích nghi, và nâng cao chất lượng cuộc sống. Các công việc đặc trưng của một nhà Tâm lý bao gồm:
- Đánh giá và chẩn đoán: Nhà tâm lý học tiến hành các bài đánh giá, phỏng vấn, và sử dụng các bài kiểm tra tâm lý để xác định tình trạng tâm lý và sức khỏe tinh thần của thân chủ. Họ có thể chẩn đoán các rối loạn như trầm cảm, lo âu, rối loạn nhân cách, hoặc rối loạn stress sau sang chấn (PTSD).
- Tư vấn, Tham vấn và Trị liệu: Nhà tâm lý học lâm sàng và nhà tham vấn tâm lý giúp thân chủ vượt qua các khó khăn về tâm lý thông qua các buổi trị liệu hoặc tham vấn.
- Nghiên cứu: Nhà tâm lý học nghiên cứu các khía cạnh khác nhau của hành vi và tâm lý để hiểu rõ hơn về cách thức hoạt động của tâm trí con người. Các nghiên cứu này có thể giúp phát triển các phương pháp điều trị mới, cải tiến các chương trình giáo dục, hoặc tạo ra các biện pháp can thiệp hiệu quả hơn.
Nhìn chung, công việc của nhà Tâm lý rất đa dạng và có thể áp dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau của cuộc sống. Mục tiêu chính của họ là giúp mọi người phát triển sức khỏe tâm lý và đạt được cuộc sống hạnh phúc hơn.
Khi thực hành Lâm sàng, Tâm lý học cũng có rất nhiều trường phái khác nhau, và việc ứng dụng nó sẽ phụ thuộc vào chuyên môn của nhà Tâm lý và vấn đề của thân chủ.
Theo chia sẻ ThS. Vương Nguyễn Toàn Thiện, về việc ứng dụng trường phái nào trong tâm lý học trong thực hành thực tế, thông thường sẽ nhắc đến 2 trường phái: Thân chủ trọng tâm và chiết trung.
Trường phái thân chủ trọng tâm (hay còn gọi là trị liệu lấy thân chủ làm trung tâm) là một trong những hướng tiếp cận chính trong trị liệu tâm lý, được phát triển bởi Carl Rogers vào giữa thế kỷ 20.
Trường phái này nhấn mạnh vào việc tạo điều kiện để thân chủ tự phát triển và tìm kiếm các giải pháp cho vấn đề của họ, dựa trên niềm tin rằng mỗi người đều có khả năng tự chữa lành và phát triển cá nhân nếu có một môi trường hỗ trợ thích hợp.
Trường phái này nhấn mạnh ba yếu tố cần thiết để xây dựng mối quan hệ trị liệu thành công và hỗ trợ thân chủ hiệu quả: Sự chân thành, Sự đồng cảm và Sự chấp nhận vô điều kiện.
Trị liệu theo phương pháp này thường không có cấu trúc cứng nhắc mà linh hoạt, tập trung vào việc lắng nghe và phản hồi theo cách giúp thân chủ tự khám phá vấn đề. Nhà trị liệu thường sử dụng các kỹ thuật như phản hồi cảm xúc, lắng nghe chủ động,… và không áp đặt lời khuyên lên thân chủ, thay vào đó, nhà trị liệu giúp thân chủ tự khám phá và lựa chọn cách giải quyết.
Tâm lý có một cái đặc biệt là, nhiều khi trường phái của tôi, chuyên môn của tôi rất phù hợp cho bệnh nhân này, bệnh nhân đó cũng rất thích tôi, nhưng tôi không thích hợp.
Vì Tâm lý là quá trình làm việc của 2 nhân cách con người làm việc với nhau, nếu bản thân mình là một nhà trị liệu, mình có nhiều phản chuyển di cảm xúc quá thì không thể làm việc được.
-Nội dung chia sẻ của ThS. Vương Nguyễn Toàn Thiện-
Đối với Trường phái chiết trung trong tâm lý học, đây là phương pháp kết hợp các kỹ thuật, phương pháp và lý thuyết từ nhiều trường phái trị liệu khác nhau để tạo ra một cách tiếp cận linh hoạt, phù hợp với nhu cầu và tình huống cụ thể của từng thân chủ.
Trái ngược với việc áp dụng một mô hình trị liệu duy nhất, nhà trị liệu chiết trung có thể linh hoạt điều chỉnh các phương pháp từ các trường phái khác nhau như nhận thức – hành vi (CBT), tâm động học, thân chủ trọng tâm, và hành vi, để đạt được kết quả tốt nhất.
Theo các nguyên lý cơ bản của trường phái chiết trung, Không có một phương pháp phù hợp cho tất cả, vì mỗi cá nhân là duy nhất, và không có một phương pháp trị liệu nào phù hợp cho tất cả mọi người. Vì vậy, nhà trị liệu chiết trung chọn các phương pháp dựa trên nhu cầu và vấn đề cụ thể của thân chủ.
Nhà trị liệu có thể áp dụng nhiều kỹ thuật và công cụ khác nhau, từ các kỹ thuật trị liệu ngắn hạn đến các phương pháp dài hạn hoặc kết hợp cả hai.
Chiết trung cũng cho phép nhà trị liệu nhìn nhận thân chủ từ nhiều góc độ khác nhau (nhận thức, cảm xúc, hành vi, và tiềm thức) để đưa ra kế hoạch trị liệu toàn diện.
Bên cạnh đó, ThS. Vương Nguyễn Toàn Thiện còn có nhiều chia sẻ khác về công việc của một nhà Tâm lý như quy trình, các phương pháp, công cụ chẩn đoán,… và một vai trò quan trọng nữa là phối hợp với các Bác sĩ Tâm thần.
Diễn giả cũng dẫn một ví dụ về trường hợp một cậu bé bị tật đôi chân nhưng không nhận thức được điều đó. Theo các chuyên gia liên quan đánh giá, việc trực tiếp nói cho cậu bé biết sự thật dễ khiến cậu chịu sang chấn Tâm lý.
Trong trường hợp đó, các Bác sĩ đã phối hợp với các nhà Tâm lý để thông báo cho cậu bé về tình hình của cậu, nếu không cậu sẽ dễ làm bản thân bị thương khi cố đứng dậy. Thông qua ứng dụng Art therapy, nhà Tâm lý đã cho cậu bé nhận thức đúng thực tế mà không dẫn đến sang chấn tâm lý nặng nề.
Qua đó có thể nhận thấy được, nếu tách riêng Tâm lý và Tâm thần, sẽ có nhiều thiếu sót trong Thực hành Lâm sàng. Thay vào đó, việc phối hợp liên ngành sẽ tạo ra một mô hình toàn diện hơn cho việc diều trị cho bệnh nhân.
Về Tâm thần học
Trong y khoa, tâm thần học là một chuyên ngành y học nghiên cứu, chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa các rối loạn tâm thần.
Tâm thần học tập trung vào các rối loạn về nhận thức, cảm xúc và hành vi ảnh hưởng đến sức khỏe tâm lý của một cá nhân, bao gồm các tình trạng như trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn lưỡng cực, tâm thần phân liệt, và nhiều rối loạn khác.
Chuyên gia trong lĩnh vực này là bác sĩ tâm thần, được đào tạo không chỉ về y khoa mà còn về các liệu pháp tâm lý, sinh học và các phương pháp điều trị khác.
Theo quan điểm của BS. Phạm Trần Thành Nghiệp, chương trình đào tạo bác sĩ, đặc biệt trong lĩnh vực tâm thần học, vẫn còn thiếu sự đầu tư vào các kiến thức về tâm lý học.
Từ góc độ y khoa, tâm thần học thường không được đánh giá cao về tính khoa học, đối với Tâm lý học lại gặp khó khăn trong việc đạt được sự công nhận từ cộng đồng y khoa, do nhiều khái niệm khó định lượng và quy trình làm việc còn thiếu tính thống nhất.
Tuy vậy, trong môi trường Lâm sàng, Tâm thần học vẫn giữ một vị trí nhất định trong việc chăm sóc các vấn đề sức khỏe tinh thần của bệnh nhân.
Tâm thần học hướng tới việc cải thiện chất lượng cuộc sống, giảm bớt đau khổ về mặt tâm lý và tăng cường khả năng thích ứng của bệnh nhân. Việc phát hiện sớm và điều trị các rối loạn tâm thần có thể giúp ngăn ngừa bệnh tiến triển nặng, giảm thiểu nguy cơ tự làm hại bản thân và ảnh hưởng đến gia đình, xã hội.
Các rối loạn tâm thần có thể ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh của cuộc sống và có thể gây ra các hậu quả lâu dài nếu không được điều trị đúng cách, do đó cần có các Bác sĩ Tâm thần có chuyên môn trong lĩnh vực này để chăm sóc bệnh nhân một cách phù hợp.
Trong tâm thần học, chẩn đoán tâm thần là một quá trình phức tạp, bao gồm việc thu thập các thông tin về tiền sử bệnh, tình trạng tâm lý hiện tại, phỏng vấn bệnh nhân và có thể thực hiện các bài trắc nghiệm tâm lý, kiểm tra y khoa, hoặc xét nghiệm để loại trừ các bệnh lý khác.
Khác với Tâm lý học có nhiều trường phái, Tâm thần học có một quy trình làm việc chung theo chuẩn y khoa mà các Bác sĩ Tâm thần buộc phải thực hành theo.
Sau khi chẩn đoán hợp lý và xây dựng kế hoạch điều trị, bác sĩ Tâm thần sử dụng nhiều phương pháp điều trị, tiêu biểu là sử dụng thuốc, liệu pháp tâm lý và các phương pháp điều trị tiên tiến khác như liệu pháp từ trường lặp lại xuyên sọ (rTMS) hoặc liệu pháp sốc điện (ECT) trong các trường hợp nghiêm trọng.
Tâm thần học có nhiều lĩnh vực chuyên biệt để phục vụ các nhu cầu khác nhau của bệnh nhân như Tâm thần học trẻ em và vị thành niên, Tâm thần học lão khoa, Tâm thần học cộng đồng,…
Trong Tâm thần cũng được học về chuyển di và phản chuyển di. Vì trong quá trình làm việc thì mình cũng sẽ có cái ấn tượng với 1 bệnh nhân nào đó, không chỉ tiêu cực mà có thể tích cực nữa…
Tuy nhiên, Bác sỹ Tâm thần sẽ có thời gian làm việc với bệnh nhân ngắn hơn, quá trình chuyển di, phản chuyển di giữa mình và bệnh nhân sẽ diễn ra ngắn hơn.”
-Nội dung chia sẻ của BS. Phạm Trần Thành Nghiệp-
Các bác sĩ tâm thần có một số vai trò đặc trưng như Chẩn đoán và kê đơn thuốc. Khác với các nhà Tâm lý, Bác sĩ Tâm thần có quyền kê đơn thuốc và thực hiện các can thiệp y khoa khác cho bệnh nhân, sau đó các bác sĩ sẽ thường xuyên theo dõi tiến trình điều trị và điều chỉnh phác đồ khi cần thiết.
Các Bác sĩ Tâm thần cũng không chú trọng vào mong muốn, hoặc tập trung vào cá nhân người bệnh như đối với các nhà Tâm lý, thay vào đó, họ tập trung vào việc điều hướng bệnh nhân thực hiện theo chỉ định để đạt được kết quả tốt nhất.
Theo chia sẻ của BS. Phạm Trần Thành Nghiệp, trong Tâm thần chú trọng điều trị thuốc, nhưng cũng sẽ tính đến việc đề xuất bệnh nhân tìm đến Tâm lý gia trong quá trình điều trị, để điều trị song song hoặc duy trì điều trị Tâm lý sau khi kết thúc liệu trình điều trị Tâm thần. Từ đó mang lại hiệu quả trị liệu tốt nhất cho bệnh nhân.
Bên cạnh đó, Bác sĩ tâm thần có thể phối hợp với các nhà tâm lý học, chuyên viên xã hội, và các chuyên gia y tế khác để xây dựng kế hoạch điều trị phù hợp nhất cho bệnh nhân.
Trong buổi Talkshow hai diễn giả tập trung vào khía cạnh phối hợp liên ngành Tâm lý – Tâm thần, nhấn mạnh tầm quan trọng của mô hình này trong thực hành Lâm sàng để cải thiện hiệu quả can thiệp cho các vấn đề về sức khỏe tinh thần của cá nhân.
Phối hợp liên ngành Tâm lý – Tâm thần
Theo chia sẻ của 2 diễn giả, trong bối cảnh Thực hành Lâm sàng tại Việt Nam, lĩnh vực Tâm thần sẽ thiếu những thông tin về Tâm lý và ngược lại. Thực tế ở môi trường Lâm sàng chỉ có dịch vụ Tâm lý hoặc Tâm thần và rất ít bệnh viện có cả 2 dịch vụ trên.
Nhưng nhìn chung, để làm việc hiệu quả, cần phải có sự phối hợp giữa 2 ngành.
Ở góc nhìn Tâm lý, những trường hợp bệnh nhân đang có những triệu chứng, những biểu hiện nguy hiểm, nguy hại, ví dụ như ý định tự sát rất rõ ràng, hoặc kế hoạch, hoặc đã thực hiện nhưng chưa thành công, (tức là) có những nguy cơ tự sát, tự hại rất rõ ràng. Lúc này bắt buộc phải chuyển gửi qua bác sỹ tâm thần…
Những triệu chứng đã thử một số phiên nhất định nhưng nó vẫn kéo dài và quá trình không cải thiện thì cũng sẽ đề nghị chuyển gửi đến các bác sỹ tâm thần để phối họ.
-Nội dung chia sẻ của ThS. Vương Nguyễn Toàn Thiện-
Mô hình phối hợp liên ngành Tâm lý – Tâm thần trong thực hành lâm sàng tại Việt Nam là một giải pháp cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về chăm sóc sức khỏe tinh thần.
Hiện nay, Việt Nam có sự tách biệt khá rõ giữa dịch vụ Tâm lý và Tâm thần. Các chuyên gia Tâm lý học (nhà tham vấn, trị liệu tâm lý) và Bác sĩ Tâm thần (có chuyên môn y khoa) thường làm việc độc lập hoặc trong các cơ sở khác nhau.
Tuy nhiên, do các ca lâm sàng thường đòi hỏi cả can thiệp tâm lý và y khoa, mô hình này đang được xem xét để mang đến hiệu quả trị liệu tốt nhất.
Trong ứng dụng mô hình phối hợp liên ngành Tâm lý – Tâm thần sẽ có một số đặc trưng nhất định.
Thứ nhất là về việc chuyển gửi bệnh nhân giữa các chuyên gia. Đối với các nhà Tâm lý, khi gặp bệnh nhân có triệu chứng nghiêm trọng hoặc nguy cơ tự hại, sẽ chuyển gửi bệnh nhân đến Bác sĩ Tâm thần.
Các trường hợp này có thể bao gồm tình trạng trầm cảm nặng, ý định tự tử rõ ràng, loạn thần, OCD,… hoặc khi các biện pháp tâm lý không mang lại cải thiện trong một khoảng thời gian nhất định.
Ngược lại, Bác sĩ Tâm thần có thể chỉ định bệnh nhân làm việc song song với nhà tâm lý học để duy trì trị liệu Tâm lý hoặc hỗ trợ tư vấn dài hạn sau khi bệnh nhân đã qua giai đoạn điều trị khẩn cấp bằng thuốc.
Về quy trình điều trị, Bác sĩ Tâm thần đảm nhận việc chẩn đoán và điều trị bằng thuốc hoặc các phương pháp sinh học, trong khi nhà Tâm lý sẽ tiến hành trị liệu tâm lý và tham vấn theo các phương pháp phù hợp với tình trạng Tâm lý của bệnh nhân.
Mô hình này cho phép điều trị song song và toàn diện, trong đó Bác sĩ Tâm thần tập trung vào các yếu tố sinh học và hóa học, còn nhà tâm lý học hỗ trợ bệnh nhân điều chỉnh hành vi và cảm xúc.
Hơn nữa, việc phối hợp Tâm lý – Tâm thần trong Thực hành Lâm sàng có thể đảm bảo hiệu quả tối ưu và lâu dài. Việc phối hợp giữa tâm lý và tâm thần giúp bệnh nhân có sự chăm sóc toàn diện và giảm nguy cơ tái phát. Đặc biệt, mô hình này giúp cải thiện khả năng thích ứng của bệnh nhân và phát triển sức khỏe tinh thần bền vững.
Có nhiều Bác sĩ Tâm thần học về Tâm lý và làm việc phối hợp cả 2, vừa cho thuốc, vừa tham vấn, nhưng số lượng không nhiều. Nhưng đó là cách làm việc ở các nước phát triển.
Ở các nước phát triển Bác sĩ Tâm thần học về tham vấn và các trường phái tâm lý để làm việc rất nhiều. Ở Việt Nam thì tách biệt hai ngành Tâm lý và Tâm thần.
-Nội dung chia sẻ của BS. Phạm Trần Thành Nghiệp-
Tổng kết
Buổi Talkshow với sự trình bày của ThS. Vương Nguyễn Toàn Thiện và BS. Phạm Trần Thành Nghiệp đã cung cấp những thông tin vô cùng giá trị về mô hình liên ngành Tâm lý – Tâm thần trong Thực hành Lâm sàng.
Tại Việt Nam, mô hình này gặp phải một số thách thức về cơ sở hạ tầng, nhân lực, và hệ thống chính sách, do số lượng bác sĩ tâm thần kiêm kiến thức tâm lý còn hạn chế.
Tuy nhiên, với nhu cầu chăm sóc sức khỏe tinh thần tăng cao và sự quan tâm lớn hơn từ cộng đồng, mô hình phối hợp này được kỳ vọng sẽ trở thành hướng đi hiệu quả và bền vững trong tương lai.
Bên cạnh đó, Trung tâm Lumos cũng đã gửi tặng những món quà tri ân cho người tham dự, bao gồm một cuốn Sổ tay tinh thần giúp mọi người có cơ hội tự làm việc và nâng đỡ bản thân. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng thực hiện một khảo sát thu thập đánh giá của người tham dự, từ đó cải thiện chất lượng các chương trình về sau.
Điều đó đã thể hiện nỗ lực cho sứ mệnh “Thắp sáng và Đồng hành” của Trung tâm Lumos, hướng đến việc tạo ra các giá trị cho xã hội, hỗ trợ sức khỏe tinh thần cho công chúng.
Về Trung tâm Tham vấn và Trị liệu Tâm lý Lumos:
Tâm lý Lumos là nơi cung cấp thông tin, dịch vụ chăm sóc sức khỏe tinh thần dành cho mọi lứa tuổi bao gồm: tham vấn – trị liệu tâm lý người lớn, lượng giá và can thiệp trẻ em, tư vấn và đào tạo tâm lý cho doanh nghiệp.
Thông tin chương trình:
TALKSHOW: PHỐI HỢP TÂM LÝ – TÂM THẦN TRONG THỰC HÀNH LÂM SÀNG
Mô hình phối hợp Tâm lý – Tâm thần trong bối cảnh Thực hành Lâm sàng ở Việt Nam đang ngày càng được quan tâm, nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe tâm thần cho nhiều đối tượng khác nhau. Tuy nhiên, thông tin về hình thức hợp tác liên ngành này vẫn còn giới hạn.
Các chuyên gia thuộc lĩnh vực Tâm lý – Tâm thần sẽ cộng tác như thế nào để hỗ trợ những người cần sự nâng đỡ về sức khỏe tinh thần?
Lumos tổ chức Talkshow: Phối hợp liên ngành Tâm lý – Tâm thần trong Thực hành lâm sàng với sự tham gia của các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm thực hành và giảng dạy trong lĩnh vực Tâm lý, Tâm thần. Lumos hy vọng sẽ đem đến cho các bạn nhiều góc nhìn mới lạ liên quan đến mô hình hợp tác này.
Thông tin đăng ký:
Thời gian: 15h00 CHỦ NHẬT (27.10.2024)
Địa điểm: Viva Star Cafe – 354/15 Lý Thường Kiệt, P.14, Quận 10 (Ngay chung cư bưu điện Phú Thọ)
Đối tượng: Những ai quan tâm đến hành nghề tâm lý
Link đăng ký tham dự trong phần bình luận
Thông tin diễn giả:
- BS. Phạm Trần Thành Nghiệp
– BS.CK1 đơn vị Tâm Thần – Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn
– Bác sĩ Nội trú Bộ môn Tâm thần – Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh.
- ThS. Vương Nguyễn Toàn Thiện
– Giám đốc Chuyên môn Tâm lý Lumos
– Chuyên gia trong lĩnh vực tâm lý lâm sàng tại: bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố, Vinmec… và là Giảng viên của nhiều trường đại học tại TPHCM
Lumos hi vọng sẽ có một buổi chia sẻ chuyên đề đầy ấm cúng cùng quý bạn
————-
Mọi thắc mắc vui lòng liên hệ:
TRUNG TÂM THAM VẤN TÂM LÝ LUMOS
2A/4B Nguyễn Thị Minh Khai, Phường Đa Kao, Quận 1, TP.HCM
0839 00 0202
info@tamlylumos.com