Phong cách làm cha mẹ đã được nhiều nghiên cứu chứng minh rằng nó có ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý và nhiều khả năng của trẻ.

Phong cách làm cha mẹ (Parenting Styles)

Phong cách làm cha mẹ (Parenting Styles) được đề xuất và nghiên cứu bởi nhà Tâm lý học Diana Baumrind vào những năm 1960. Baumrind xác định ba phong cách chính: quyền uy (authoritative), độc đoán (authoritarian), và khoan dung (permissive). Sau đó, các nhà nghiên cứu Maccoby và Martin đã bổ sung phong cách thứ tư: thờ ơ (neglectful hoặc uninvolved) (Baumrind, 1966; Baumrind, 1971; Baumrind, 1991).

  • Authoritative: Đây là phong cách cân bằng giữa sự kiểm soát và sự ấm áp. Cha mẹ có yêu cầu cao đối với con cái nhưng cũng rất ủng hộ và lắng nghe.
  • Authoritarian: Cha mẹ có yêu cầu rất cao nhưng ít khi lắng nghe và ủng hộ con cái. Họ thường sử dụng kỷ luật nghiêm khắc và ít thể hiện tình cảm.
  • Permissive: Cha mẹ rất ủng hộ và thể hiện tình cảm nhưng ít đưa ra yêu cầu hay quy tắc cho con cái. Họ thường dễ dãi và không có nhiều sự kiểm soát.
  • Neglectful/Uninvolved: Cha mẹ ít quan tâm và không có nhiều sự kiểm soát hay hỗ trợ đối với con cái. Họ thường không tham gia nhiều vào cuộc sống của con cái.

Phong cách làm cha mẹ này đã trở thành nền tảng trong nghiên cứu về sự phát triển của trẻ em và vẫn được phát triển qua các nghiên cứu cho đến ngày nay cũng như ứng dụng vào thực tiễn đời sống.

Nghiên cứu của Kuppens và Ceulemans (2019) đã xác định lại các yếu tố cấu thành phong cách làm cha mẹ, bao gồm 3 yếu tố: Mức độ kiểm soát (Control), Sự ấm áp (Warmth), và Hỗ trợ tình cảm (Emotional support) (Kuppens và Ceulemans, 2019).

Mức độ kiểm soát (Control):

  • Cao: Liên quan đến phong cách cha mẹ độc đoán, nơi cha mẹ đặt ra nhiều quy tắc và yêu cầu cao đối với con cái.
  • Thấp: Thường thấy trong phong cách cha mẹ khoan dung và thờ ơ, nơi ít có quy tắc và sự giám sát.

Sự ấm áp (Warmth):

  • Cao: Phổ biến trong phong cách cha mẹ dân chủ và khoan dung, nơi cha mẹ thể hiện tình cảm và sự quan tâm đến trẻ.
  • Thấp: Thấy trong phong cách cha mẹ độc đoán và thờ ơ, nơi tình cảm và sự quan tâm ít được thể hiện.

Hỗ trợ tình cảm (Emotional Support):

  • Cao: Liên quan đến phong cách cha mẹ dân chủ, nơi cha mẹ hỗ trợ cảm xúc và khuyến khích sự phát triển tâm lý của trẻ.
  • Thấp: Thấy trong phong cách cha mẹ thờ ơ, nơi sự hỗ trợ cảm xúc rất ít hoặc không có.

4 phong cách làm cha mẹ

Phong cách cha mẹ Độc đoán (Authoritarian Parenting)

Đặc điểm: Cha mẹ đặt ra nhiều quy tắc nghiêm ngặt, kiểm soát cao nhưng ít thể hiện sự ấm áp, hỗ trợ tình cảm và mong đợi con cái tuân theo mà không cần giải thích. Họ đặt ra nhiều quy tắc và kỳ vọng cao.

Sự kiểm soát nghiêm ngặt và ít sự trao đổi ý kiến có thể dẫn đến việc trẻ cảm thấy không được lắng nghe và không thể biểu đạt cảm xúc của mình.

Kết quả: Trẻ em thường tuân thủ tốt nhưng có thể thiếu tự tin, cảm giác thiếu giá trị, sáng tạo, kỹ năng xã hội và khả năng tự ra quyết định; gặp khó khăn trong các mối quan hệ xã hội, có nhiều hành vi tiêu cực, kỹ năng giải quyết vấn đề và quản lý cảm xúc.

Trẻ em nuôi dạy theo kiểu độc đoán thường trải qua sự tự trọng thấp hơn do sự kiểm soát nghiêm ngặt, thiếu sự khuyến khích, trẻ em cảm thấy không được công nhận về những nỗ lực và khả năng của bản thân, dẫn đến sự đánh giá bản thân thấp. Họ cũng có thể gặp vấn đề về sức khỏe tinh thần như lo lắng và trầm cảm.

Phong cách cha mẹ Dân chủ (Authoritative Parenting)

Đặc điểm: Đây được xem là phong cách làm cha mẹ hiệu quả nhất, với trẻ em phát triển toàn diện về mặt tự tin, kỹ năng xã hội và thành tích học tập, kết hợp giữa sự kiểm soát hợp lý và sự ấm áp, hỗ trợ tình cảm, tạo ra môi trường hỗ trợ, cho phép trẻ tự do thể hiện cảm xúc và ra quyết định, đồng thời cung cấp phản hồi tích cực và xây dựng sự tự tin.

Cha mẹ dân chủ thường lắng nghe và tôn trọng ý kiến của con cái, tạo môi trường phát triển tích cực. Cha mẹ thiết lập quy tắc nhưng cũng giải thích và lắng nghe con cái. Họ cho phép trẻ tham gia vào quyết định và giải quyết vấn đề, điều này thúc đẩy sự tự tin và khả năng giải quyết xung đột.

Kết quả: Trẻ em phát triển toàn diện về mặt tự tin, sự tự nhận thức cao, khả năng quản lý cảm xúc tốt, kỹ năng giao tiếp xã hội vững vàng, sự tự trọng cao và thành tích học tập tốt. Họ có xu hướng tự lập và biết tự ra quyết định.

Cha mẹ dân chủ cung cấp môi trường hỗ trợ, khuyến khích và lắng nghe, điều này giúp trẻ phát triển kỹ năng xã hội-cảm xúc tốt hơn.

Trẻ em được nuôi dạy theo kiểu dân chủ thường có sự tự trọng cao hơn nhờ vào sự hỗ trợ và khuyến khích từ cha mẹ.

Phong cách cha mẹ Khoan dung (Permissive Parenting)

Đặc điểm: Cha mẹ cho phép con cái tự do làm theo ý muốn. Sự kiểm soát thấp nhưng có sự ấm áp và hỗ trợ tình cảm cao. Cha mẹ có thể cung cấp sự hỗ trợ và yêu thương dồi dào nhưng không đủ sự kiểm soát và định hướng cần thiết để giúp trẻ phát triển kỹ năng quản lý cảm xúc và hành vi đúng cách, thường quá dễ dãi, ít đặt ra quy tắc và ranh giới rõ ràng cho con cái.

Kết quả: Phong cách này có thể dẫn đến trẻ em có thể cảm thấy tự tin và thoải mái trong các mối quan hệ xã hội do sự quan tâm của cha mẹ, nhưng thiếu tự kiểm soát và có thể gặp vấn đề về hành do sự dễ dãi từ cha mẹ. Trẻ em thường Họ thường không tuân thủ các quy tắc và thiếu tôn trọng người khác.

Mặc dù sự quan tâm và dễ dãi có thể nâng cao tự tin của trẻ, thiếu kỷ luật và sự định hướng có thể dẫn đến việc trẻ gặp khó khăn trong việc phát triển sự tự trọng bền vững và khả năng đối phó với thử thách.

Phong cách cha mẹ Thờ ơ (Neglectful/Uninvolved Parenting)

Đặc điểm: Cha mẹ ít quan tâm và không dành nhiều thời gian cho con cái. Sự kiểm soát và hỗ trợ tình cảm đều thấp. Cha mẹ thờ ơ thường không tham gia vào các hoạt động và cảm xúc của trẻ, điều này có thể dẫn đến việc trẻ không học được các kỹ năng xã hội và cảm xúc từ các tình huống hàng ngày.

Cha mẹ thiếu sự quan tâm và giám sát, trẻ em có thể cảm thấy không quan trọng, thiếu giá trị cùng với đó là sự thiếu hụt trong việc cung cấp sự hỗ trợ cảm xúc và phản hồi tích cực.

Kết quả: Trẻ em gặp nhiều khó khăn về mặt tự tin, kỹ năng cảm xúc – xã hội và học tập. Trẻ được nuôi dạy theo phong cách thờ ơ thường cảm thấy bị bỏ rơi, thiếu sự hỗ trợ tinh thần, sự tự trọng thấp, cảm giác không được yêu thương, tự ti và dễ dàng phát triển các hành vi tiêu cực.

Phong cách làm cha mẹ được ứng dụng vào thực tiễn như thế nào?

Nghiên cứu của Aastha Aghi và Harpreet Bhatia cung cấp một cái nhìn toàn diện về các phong cách làm cha mẹ và những ảnh hưởng của chúng, giúp các bậc cha mẹ và những người làm công tác giáo dục hiểu rõ hơn về cách nuôi dạy trẻ hiệu quả (Aghi và Bhatia, 2021; Nancy Darling, 1999).

Các chương trình giáo dục và tư vấn cho phụ huynh nên được phát triển để giúp họ hiểu và áp dụng phương pháp nuôi dạy. Cần thêm nghiên cứu để khám phá các yếu tố trung gian và điều kiện ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa kiểu nuôi dạy và sự phát triển của thanh thiếu niên (Parihar, 2023).

Một số khía cạnh đáng quan tâm trong việc thực hành nuôi dạy trẻ (Vasiou và cộng sự, 2023; Darling, 1999).

  • Đào tạo và giáo dục cho cha mẹ

Cha mẹ hiểu rõ các phong cách làm cha mẹ và tác động của chúng, dựa trên cơ sở sự hiểu biết về các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ, cha mẹ có thể điều chỉnh phương pháp nuôi dạy phù hợp với từng giai đoạn và tính cách của trẻ.

  • Can thiệp sớm và hỗ trợ:

Đề xuất các can thiệp sớm cho trẻ và cha mẹ trong các trường hợp kiểu nuôi dạy độc đoán hoặc thờ ơ để cải thiện sự phát triển kỹ năng xã hội-cảm xúc.

Cung cấp các dịch vụ hỗ trợ và tư vấn cho các gia đình cần sự giúp đỡ trong việc áp dụng các phương pháp nuôi dạy hiệu quả.

  • Nhất Quán Trong Kỷ Luật:

Cần thiết để tạo ra một môi trường ổn định và cho trẻ khả năng dự đoán được tình hình

  • Hỗ Trợ Tinh Thần:

Cung cấp sự hỗ trợ cảm xúc và khuyến khích cho trẻ là thiết yếu để phát triển sự tự tin và kỹ năng xã hội.

  • Giám Sát và Hướng Dẫn:

Giám sát và hướng dẫn phù hợp giúp trẻ hiểu các quy tắc xã hội và phát triển kỹ năng cá nhân.

Ảnh hưởng của phong cách làm cha mẹ đến sự phát triển của trẻ

Nghiên cứu về các kiểu nuôi dạy con cái và ảnh hưởng của chúng đối với sự phát triển của con người đã nhận được sự quan tâm lớn từ các nhà nghiên cứu trong nhiều năm (Parihar, 2023).

Phong cách làm cha mẹ tác động đến sự phát triển tích cực và hạnh phúc của trẻ, các phong cách làm cha mẹ ảnh hưởng đến các khía cạnh tâm lý và xã hội của trẻ em (Aghi và Bhatia, 2021).

Kiểu nuôi dạy dân chủ và các thực hành nuôi dạy nhất quán là tốt nhất cho sự  phát triển tích cực của trẻ (Raya và cộng sự, 2013). Phong cách làm cha mẹ có ảnh hưởng đến Các kỹ năng cảm xúc – xã hội, thứ đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển toàn diện của trẻ em, ảnh hưởng đến khả năng tương tác xã hội, quản lý cảm xúc, và tự nhận thức (Vasiou và cộng sự, 2023).

Nó cũng có ánh hưởng đến tự trọng – là yếu tố tâm lý quan trọng trong giai đoạn thanh thiếu niên, ảnh hưởng đến sự phát triển cá nhân, khả năng học tập, và các mối quan hệ xã hội (Jinan và cộng sự, 2022).

Phê bình

Các nghiên cứu về phong cách làm cha mẹ vẫn còn nhiều hạn chế. Nghiên cứu chỉ dựa vào báo cáo tự đánh giá từ cha mẹ và trẻ nên có thể tồn tại các sai lệch trong cách nhìn nhận, dẫn đến sai lệch trong dữ liệu. Liên quan đến cách nhìn nhận vấn đề, nó phụ thuộc vào kinh nghiệm học tập của người được khảo sát tại các bối cảnh văn hóa khác nhau.

Các yếu tố khác như văn hóa, xã hội cũng có thể ảnh hưởng đến phong cách làm cha mẹ và các hệ quả phát triển của trẻ từ phong cách làm cha mẹ.

Cần phải có thêm nhiều các nghiên cứu để làm rõ các khía cạnh khác nhau của phong cách làm cha mẹ.

Kết luận

Nghiên cứu của Sofie Kuppens và Eva Ceulemans cung cấp một cái nhìn sâu sắc và toàn diện hơn về các phong cách làm cha mẹ, giúp các bậc cha mẹ và những người làm công tác giáo dục hiểu rõ hơn về cách tối ưu hóa việc nuôi dạy trẻ dựa trên các yếu tố cấu thành cụ thể (Kuppens và Ceulemans, 2019).

Phong cách cha mẹ dân chủ được xem là phong cách tối ưu để nuôi dạy trẻ, vì nó tạo ra môi trường cân bằng giữa kỷ luật và yêu thương, giúp trẻ phát triển toàn diện. Các phong cách khác, mặc dù có thể có một số lợi ích nhất định, nhưng thường đi kèm với nhiều hạn chế và rủi ro cho sự phát triển của trẻ (Aghi và Bhatia, 2021). Các kiểu nuôi dạy độc đoán và thờ ơ có nhiều ảnh hưởng tiêu cực, trong khi kiểu nuôi dạy chiều chuộng có cả mặt tích cực và tiêu cực (Parihar, 2023).

Hiểu được tác động của các kiểu nuôi dạy con cái giúp các chuyên gia giáo dục, Tâm lý học và cha mẹ có cái nhìn rõ ràng hơn về việc nuôi dạy trẻ nhỏ và cách hỗ trợ sự phát triển của trẻ.

Nguồn tham khảo

Aghi, A., Bhatia, H.. (2021). Parenting Styles. The Journal of Positive Psychology.

Baumrind, D.. (1966). Effects of authoritative parental control on child behavior. Child Development, 37(4), 887–907. https://doi.org/10.2307/1126611

Baumrind, D.. (1971). Current patterns of parental authority. Developmental Psychology, 4(1, Pt.2), 1–103. https://doi.org/10.1037/h0030372

Baumrind, D.. (1991). The influence of parenting style on adolescent competence and substance use. The Journal of Early Adolescence, 11(1), 56–95. https://doi.org/10.1177/0272431691111004

Darling, N.. (1999). Parenting Style and Its Correlates.

Jinan, N., Yusof, N., Vellasamy, V., Ahmad, A., Rahman, M., Motevalli, S.. (2022). Review of Parenting Styles and Their Impact on The Adolescents’ Self-Esteem. International Journal of Academic Research in Progressive Education and Development. 11. 10.6007/IJARPED/v11-i2/12202.s

Kostanasios, L.. (2024). Parenting styles and their impacts on children: A comparative study. International Journal of Science and Research Archive. 11. 765-767. 10.30574/ijsra.2024.11.1.0128.

Kuppens, S., Ceulemans, E.. (2019). Parenting Styles: A Closer Look at a Well-Known Concept. Journal of Child and Family Studies. 28. 10.1007/s10826-018-1242-x.

Parihar, R.. (2023). Effect of Parenting Styles on Adolescents: A Quantitative Study. 10.25215/1003.056.

Raya, A. F., Ruiz-Olivares, R., Pino, M. J., Herruzo, J.. (2013). A Review about Parenting Style and Parenting Practices and Their Consequences in Disabled and Non Disabled Children. International Journal of Higher Education. 2. 10.5430/ijhe.v2n4p205.

Vasiou, A., Kassis, W., Krasanaki, A., Aksoy, D., Favre, C. A., Tantaros, S.. (2023). Exploring Parenting Styles Patterns and Children’s Socio-Emotional Skills. Children. 10. 1126. 10.3390/children10071126.

 

Related Posts

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *